Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Cũng bởi nhân duyên, các gia chủ lòng thành cầu lễ cho Con-cháu sớm được hạnh phúc đoàn viên yên bề Gia-thất. Với nhã ý nhờ chúng tôi có đôi lời răn bảo các cháu khi sắp kết duyên Vợ-chồng. Đôi trẻ nghe thế khéo léo kéo tay người mẹ lại, chắc trong tư tưởng suy nghĩ e ngại sao lại đi hỏi Thầy chùa? Kể ra cũng hơi bối rối, vì bản thân tôi chưa từng trải qua cuộc sống gia đình Vợ-chồng, lấy gì kinh nghiệm hay chia sẻ gì cho các Cháu ( Vợ-chồng trẻ) bây giờ. Suy nghĩ mãi, tôi xin mạo muội đóng góp đôi lời qua đây, cũng mong muốn phần nào để các cặp đôi có nhận thức đúng đắn về giá trị của Tình-nghĩa Vợ-chồng, hạnh phúc gia đình. Bởi thiết nghĩ trong Phật giáo vốn dĩ đã có những bản Kinh, lời dạy của Đức Phật về tình nghĩa Vợ-chồng, hạnh phúc gia đình như “Kinh Thiện Sanh” nói về ý nghĩa lễ bái Sáu-phương. Đại ý cũng chỉ dạy khi lễ bái phương Tây thì bổn phận của người chồng đối với vợ, và bổn phận của người vợ đối với chồng cũng đều có năm điều hạnh phúc:

Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ:

1.) Lấy lễ đối đãi nhau, 2.) Oai nghiêm không nghiệt, 3.) Cho ăn mặc phải thời, 4. Cho trang sức phải thời, 5.) Phó thác việc nhà. Này Thiện Sinh, chồng đối đãi vợ có năm điều, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. Những gì là năm?

1.) Dậy trước, 2.) Ngồi sau, 3.) Nói lời hòa nhã, 4.) Kính nhường tùy thuận, 5.) Đón trước ý chồng.

Này Thiện Sinh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

Hơn nữa “Nghi thức lễ Thành hôn trước cửa Phật” hay “Lễ hằng thuận” cũng giúp cho các cặp đôi có Tín tâm cung kính đối với Tam-bảo có được những lời chỉ dạy chân thành, cao quý của chư Tăng đại diện. Rồi từ cuộc sống xung quanh gia đình, làng xóm; cha mẹ, anh em, bạn bè, phim ảnh,…sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có những nhận định đúng đắn về một chữ Tình trọn vẹn trong cuộc đời.

Nguồn Internet

Người xưa từng chỉ dạy: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân. Nhất dạ đồng sàng chung dạ ái”, đại ý nói một ngày nên duyên Vợ-chồng, tức là hàng trăm ngày ân nghĩa. Một đêm chung ngủ ,trọn đời thương mến nhau. Thế nhưng thực tế không ai mong muốn, lại cũng đã xảy ra vô vàn các trường hợp éo le, ngang trái khác nhau. Khi lúc ban đầu cũng đã đi xem thầy, coi tuổi xung hợp, coi ngày tốt đẹp để làm lễ Vu-quy, thành hôn cho đôi trẻ. Xong cũng không sao tránh khỏi những xô sát, bất bình cãi vã,…mọi người đều quan niệm “ Chén bát để trong chạn còn khua, huống chi là Vợ-chồng”. Hay như câu nói cửa miệng “ Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”, hoặc nói “ Giận thì giận, mà thương thì thương”, có như thế thì cuộc sống Vợ-chồng mới được bền lâu. Vả lại đã gọi là Vợ-chồng tức là đã chấp nhận cuộc sống chung hợp với nhau, về tất cả mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, đều phải đồng điệu hòa hiệp với nhau. Ví như Gạo đã được nấu thành Cơm, tức là đã có Gạo, có nước, có lửa hòa quyện để tạo ra một sản phẩm tốt đẹp là Cơm rồi, thì nghĩa lý gì lại không chung hiệp. Cuộc sống Vợ-chồng cũng giống như thế, không phải như lúc mới ban đầu quen biết nhau, tìm hiểu yêu đương nhau. Tất cả mọi thứ đều tốt đẹp, đều như trong mộng ,trong phim ảnh,… hẹn thề đến “ Răng long, đầu bạc”. Xong khi về ở với nhau, thời gian dần dần mọi thứ ảnh hưởng thay đổi từ cuộc sống, gia đình, con cái, kinh tế, công việc,…mọi áp lực mâu thuẫn xảy ra. Những điều này chính tôi cảm nhận từ cha mẹ, anh chị em, hàng xóm của mình khi xưa, chứng tỏ thời đại nào cũng thế.

Không phải cứ nghèo khó, phong kiến mà Vợ-chồng lại xảy ra bất bình, cãi vã; mà ngay cả trong cuộc sống xa hoa, giàu có, hiện đại con người ta vẫn thế. Cuộc sống Vợ-chồng không sao tránh khỏi những mâu thuẫn xung đột, từ nhiều nguyên nhân chủ quan, lẫn khách quan khác nhau, vậy mới có chuyện “ Nhà giàu cũng khóc”. Với biết bao đời từng đi tìm và từng than hỏi “ Hỡi thế gian tình là gì ?”, để đáp trả lại câu hỏi này thì không mấy ai cảm thấy được vừa ý, toại lòng. Cho đến cả bậc Đế-vương ngày xưa, cũng không sao tránh khỏi những hệ lụy của Tình-ái, nhân gian, xoay vòng quanh quẩn này vậy. Thậm chí có khi còn “Thân bại, danh liệt”, nước mất nhà tan, nhân gian oán hờn, như truyện vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi Ngọc Hoàn. Hay như truyện tích “Trọng Thủy và Mỵ Châu” của Việt nam ta xưa,… như vậy cho thấy thế gian thời có biết bao cuộc tình ngang trái không mấy tươi đẹp. Thế nên người ta chỉ biết than rằng “ Tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở ”.

Khi viết đến đây tôi lại chợt nhớ ra trong kho tàng Truyện cổ Phật giáo cũng có giai thoại “ Thoát Vòng Tục Lụy”, đại ý kể về câu chuyện giữa vị sư Ngọc Lâm và cô tiểu thư đài các là Thiên Kim. Mối tình dang dở cũng bởi tuổi trẻ bồng bột, hiếu kỳ tự đắc với cái danh hiệu là Vạn Kim Hòa Thượng ( ý nói Hòa Thượng Vạn lượng vàng). Đối đầu lại với cái danh xưng của Thiên Kim tiểu thư ( Tiểu thư Nghìn vàng), cũng vì thế mà Ngọc Lâm cũng phải điêu đứng một phen. Xong với một bản tính trung trực, bi trí của một người Xuất-gia, trong đêm Tân-hôn ấy Ngọc Lâm đã giáo hóa được Thiên Kim tiểu thư cũng Xuất-gia Tu đạo, trở thành vị Nữ tu. Còn Ngọc Lâm sau cũng được nhà Vua phong tặng là Quốc Sư hoằng dương Phật pháp, đến hơi thở cuối cùng Ngài cũng trọn đời vì Đạo. Từ đó cho thấy trong việc tu Đạo ngoài việc tự Giác-ngộ mình, thì việc giúp người khác Giác-ngộ bằng mọi phương tiện Thiện-xảo thế gian cũng cần phải được phát huy.

Trở lại câu chuyện về việc đôi trẻ là một trong những Phật tử Tín tâm, thuần thành, sắp trởi thành Vợ-chồng, thì bản thân người Xuất-gia cũng nên góp đôi lời giáo huấn. Vì tương lai cuộc sống sau này của đôi trẻ, một trong những mầm giống tốt đẹp của Phật giáo. Thiết nghĩ trong nghi thức hôn lễ có mục trao Nhẫn-cưới là Chú-rể trao cho cô dâu một chiếc nhẫn, Cô-dâu cũng trao lại cho chú rể một chiếc nhẫn với ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Không đơn thuần là việc đánh dấu chủ quyền là đã nên chồng, nên vợ hay là giá trị vật chất bằng vàng. Mà thực tế quan trọng nhất là người xưa muốn truyền dạy cho đôi trẻ hiểu rằng phải cùng nhau biết nhẫn nhịn và chịu đựng nhau mới gọi là vợ chồng. Bởi cái chữ Nhẫn vốn nó gồm có chữ Đao ở trên chữ Tâm ở dưới, ý chỉ dao đâm vào lòng vào tim thì đau lắm, chết mất. Như thế mới gọi là Nhẫn, thế nên trong khi tổ chức hôn lễ không thể bỏ qua nghi thức trao nhẫn cưới này. Ngoài ra có sự biến tướng khi người ta thi nhau trao tặng vòng vàng, kiềng, xuyến vàng đeo lủng liểng trên người. Đó chỉ là sự khoe khoang vật chất, chứ cuộc sống hôn nhân vợ chồng hạnh phúc thì vật chất ấy vẫn chưa đủ để tình nghĩa vợ chồng trở nên bền chắc, lâu dài được. Đôi khi tình nghĩa hạnh phúc vợ chồng chỉ cầu mong đơn thuần là một sự đồng cảm, gần gũi chia sẻ bình yên bên nhau.

Trên quan điểm “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian Giác”, có như thế thì đạo Phật mới gần gũi với lớp trẻ đầy tinh thần và nhiệt huyết. Ngoài việc tổ chức Nghi lễ, thì sự giáo hóa bằng Thân-khẩu-ý giáo, chứa đựng đầy chất Từ-bi, Trí-tuệ Giác-ngộ cuộc sống nhân sinh qua việc Quy-y Tam-bảo. Trao truyền Năm-giới trở thành Phật tử Tại-gia, nhấn mạnh Giới thứ Ba là “Không Tà-dâm” để có cuộc sống Vợ-chồng lành mạnh, hạnh phúc ấm êm. Trên tinh thần của Giới điều thứ Ba răn dạy, việc người Phật tử duy trì cuộc sống Vợ-chồng là Không Tà-dâm, tức là được Chính-hạnh, chung thủy chỉ một vợ, một chồng. Đồng lòng xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, xứng danh là một Phật từ Tín tâm Kiên-cố, lợi ích Đời-đạo.

KỆ CHÚC PHÚC:

“Mừng cho đôi trẻ Thành hôn

Trăm năm kết tóc, càn khôn lâu dài.

Sắt cầm hảo hợp bền dai

Phụng loan ứng lứa, đẹp thay duyên lành.

Tơ hồng nguyệt lão rành rành

Se tơ kết tóc, sẵn dành từ lâu

Tóc xanh cho đến bạc đầu Chồng hòa vợ thuận, là câu muôn đời.”

Sớ Cầu Duyên

Phụ Chú Thêm Phần Sớ Kết Hôn

Sớ Kết Hôn

Phục dĩ

Âm dương phối hợp vốn nhân duyên định sẵn từ lâu,

Loan phụng hoà minh là hạnh phúc đắp xây hiện tại.

Quy y Tam-bảo nguyện gột trừ túc trái,

Hướng Từ-bi xin gây lấy thiện duyên,

Chữ Minh-sơn giữ lấy một lời nguyền,

Câu Thệ-hải trọn niềm chung thuỷ,

Duyên nay có tại nước Việt nam

Tỉnh (Thành phố)… Huyện (quận)…Xã ( phường)…

Trượng thừa Tam-bảo, hành lễ kết hôn.

Đường đầu chứng minh, Sa môn

Truyền thọ Quy giới, chứng lễ thành hôn cho:

Thiện nam:…

Pháp danh:…

Tín nữ: …

Pháp danh:…

Hôm nay, cùng nhau đối trước Tam-bảo, phát nguyện quy y.

Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Nam mô Đại Từ Hoan Hỷ Di Lặc Tôn Phật,

Nam mô Đại Bi Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát,

Nam mô Hộ pháp thiện thần, nhất thiết Hiền thánh tác đại chứng minh.

Kính nguyện:

Gái trai hai họ cùng gội nhuần pháp vũ hồng ân,

Nghĩa tào khang một niệm vuông tròn ngâm câu Kiến tánh,

Đạo lục hoà gìn giữ sớm hôm,

Ân Tam-bảo khắc ghi thân mệnh,

Dâu dể đôi người đều đượm nhuần cát khánh,

Tiếng cầm sắt trăm năm hoà điệu, tụng chữ minh tâm,

Bốn điều hoằng nguyện chúng con xin ghi nhận trọn đời,

Hai chữ Quy y chúng con cậy nương nhiều kiếp,

Đức Năng-nhân chứng giám cùng chư Bồ-tát gia hộ.

Lại nguyện:

Sắt cầm hoà điệu nhắc nhở nhau tiến bước quang vinh,

Loan phụng hoà minh nguyện cầu cùng lên đường giải thoát,

Cảnh môn phong muôn vẻ khang trang,

Bề gia thất nhiều phần hưng khánh,

Chúng con dâng lời thề nguyện, kính xin Tam-bảo chứng minh.

Đệ tử chúng con thành tâm kính bái.

Chùa: ngày:… tháng…… năm:

Sa môn:…

Hoà nam thượng sớ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *