Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Nghi Lễ Phật Giáo

Nghi-lễ gồm có Nghi-thức và Lễ-bái, hay Nghi-tiết và Cúng-lễ một trong những nét văn hoá sinh hoạt sớm nhất của loài người, ngay từ thời sơ khai con người cũng đã biết tổ chức hú gọi ( kêu gọi theo ngôn ngữ riêng ), hội họp mừng vui, múa hát, giao lưu ca tụng thể hiện niềm phấn khích, cao trào trong tâm trí. Có khi vì thu lượm được món ăn, đồ uống ngon mới lạ, hoặc khám phá thêm được điều gì đó trong sinh hoạt với thiên nhiên môi trường xung quanh. Con người cũng đã biết quy tụ quanh đống lửa, hoặc quanh bãi đất trống để cùng nhau chia sẻ hò reo, múa hát theo phương-ngữ từng vùng miền, đó là nghi-thức hỷ lạc (hỷ-lễ). Hay khi xảy ra một tai nạn rủi ro mất mát (chết chóc), một người nào đó trong nhóm cũng đã biết quây quần quanh người mất tỏ vẻ im lặng, buồn đau đồng loại và cũng tổ chức Nghi-lễ đơn sơ ( Lễ sơ đẳng đầu tiên ) để tống táng người mất kia bằng nhiều phương thức khác nhau. Có khi chôn vùi, có khi phơi khô trên cây to, có khi cất trong hang đá, có khi thả trôi sông lớn… tất cả đều đã bắt đầu hình thành hai loại hình văn hoá nghi-lễ đầu tiên có thể gọi là Lễ-vui-mừng (Hỷ-lễ ) và Lễ-buồn-đau ( Hiếu-lễ ) của người nguyên thuỷ.

 Sau sự tiến hoá phát triển con người mới quy tập nghi-lễ thành một hệ thống bài bản, hình thức điều lệ, điệu bộ mang tính chuyên nghiệp thành tổ chức quy mô, bộ phận quan trọng ví như quan Bộ-lễ không thể thiếu trong mọi sinh hoạt của con người thời xưa. Kinh-điển lịch sử Phật giáo cũng từng ghi chép, thời Ấn-độ cổ đại trước khi đạo-phật ra đời thì hệ thống nghi-lễ của Bà-la-môn giáo đã phát triển thịnh hành trong quần chúng. Từ vua chúa, thứ dân đã biết sinh hoạt nghi-lễ theo chủ thuyết thần-linh tối thượng của những người chủ trì gọi là giới Bà-la-môn, một trong những giai cấp uy quyền thời bấy giờ. Sau khi đức Thích-ca thành đạo Ngài đã chỉ ra con đường giác-ngộ, giải-thoát tự thân không lệ thuộc vào thần-linh uy quyền, thần bí nào khác ngoài chính bản thân mỗi người hiện tại tự lỗ lực. Sau này cũng có rất nhiều các chủ thuyết khác tương đồng quan niệm với Phật-giáo về con người “ Duy ngã độc tôn ”, như thuyết Tam-tài ( Thiên-địa-nhân ), “ Linh tại ngã bất linh tại ngã ”, của Khổng-giáo và Lão-giáo, ảnh hưởng lâu dài trong xã hội loài người. Nghi-lễ được xem trọng như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi sinh hoạt của mọi tầng lớp xã hội. Cuộc sống không thể không có lễ giáo, tự đánh mất ( Thất-lễ ) cái vai trò vị trí của  bản thân như đối với vua-tôi, thần-tướng, gia-nhân (gia đình và mọi người ), tức là kẻ tiểu nhân xấu xa trong xã hội. Nghi-lễ được liệt vào một trong năm món Ngũ-thường (nhân, nghĩa, lễ, trí ,tín ) của Nho-giáo, đây được xem là khuôn mẫu chuẩn mực về một bậc trí thức, quân-tử của con người hoàn thiện trong xã hội. Trong Lễ-ký ghi “ Thiên tử tế thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự; chư-hầu phương tự, tế ngũ tự, đại-phu tế ngũ tự, sĩ tế kỳ tiên  ”. Nghĩa là bậc Vua-chúa cúng tế (lễ ) trời đất, lễ bốn phương, lễ núi sông, lễ ngũ tự ( Thần cửa, thần ngõ, thần giếng, thần bếp, thần giữa nhà ). Chư-hầu thì tế lễ phương mình đang ở, tế lễ ngũ tự, bậc đại-phu tế ngũ tự, kẻ hiền-sĩ tế lễ tổ tiên. Đây là bổn phận, trách nhiệm của một con người đạo đức, khuôn mẫu trong xã hội được mọi người kính ái.    

  Để chiêm nghiệm, xem xét và đánh giá phần nào về khía cạnh của Nghi-lễ-Phật-giáo với giá trị và ý nghĩa mang đậm bản sắc văn hoá đạo-Phật bản địa, trên tinh thần lấy sự giác-ngộ-giải-thoát làm căn bản, bằng phương tiện thiện-xảo qua hình thức ứng-phó-đạo-tràng. Thật không phải không có căn duyên và giá trị qua những hình thức lễ nghi, tán tụng đúc kết từ những lời dạy ngắn gọn, thiết thực của Phật-giáo về lý duyên-sinh, vô-thường, vô-ngã, bác-ái, vị-tha giác ngộ, “Chân tính bản lai nguyên bất diệt, nhất luân nguyệt lạc bất ly thiên”. Nghĩa đại ý lời than là chỉ cho mọi người biết rằng chân-tính hằng hữu xưa nay vốn không sinh diệt, đổi thay; ví như mảnh trăng tròn sáng kia bị mây tạm che mờ tối đi, nhưng thực chất bản thể trong sáng của nó không hề bị mờ tối và lìa xa bầu trời. Mục đích chính yếu vẫn là đưa con người đến bến bờ giải thoát, an vui, hạnh phúc, xoá bớt đi những sầu đau khổ não xảy ra trong đời sống hiện tại và tương lai, “Nhất cú Di-đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây-phương”,cũng thế chỉ một câu Di-đà không tạp niệm phân chia, tính toán; ngại gì tức khắc liền đến cõi tây-phương  . Vậy không nên coi nghi-lễ-Phật-giáo một cách phiến diện, đơn cử qua hình thức lễ nghi cúng bái, tán tụng, lễ lạy; hoặc quá mê đắm, xem trọng nghi-lễ-Phật-giáo mà quên đi mục đích cứu-cánh giác-ngộ của đạo-Phật. Xét ngay từ khi hình thành, du nhập và phát triển đạo-Phật đã gồm đầy đủ tất cả mọi Pháp bao gồm cả (Ba nghìn oai-nghi và Tám muôn tế hạnh), thì lẽ nào chỉ có nghi-lễ. Với Bốn-oai-nghi căn bản là Đi-đứng-ngồi-nằm của người xuất gia tu đạo, đã thể hiện và nói lên được giá trị ý nghĩa đạo lý giác-ngộ, giải-thoát, tỉnh-giác ngay trong cuộc sống hiện tại. Khi đi đứng cũng tỉnh thức cầu nguyện, quán tưởng các pháp từ-bi thương xót cứu độ chúng sinh, như bài kệ:

Nhược cử ư túc
Đương nguyện chúng sinh
Xuất sanh tử hải
Cụ chúng thiện pháp

Nghĩa: Khi cất bước đi

Nguyện cầu chúng sinh

Xa rời biển khổ

Đầy đủ duyên lành.

Ngoài việc tỉnh thức-giác ngộ trong mọi oai nghi, phép tắc của người tu đạo qua tất cả các sinh hoạt thường ngày, thì giới luật oai nghi cũng là một trong những phép tắc nghi-lễ nghiêm ngặt hơn. Thế nên để giải tỏ tường tận về nghi lễ Phật-giáo không thể hạn cuộc trong hình thức ứng-cúng hay khoa-nghi đơn giản của một bộ phận, hay tông phái nào cụ thể được. Mà tất cả mọi Pháp (vạn pháp) ấy của Phật-giáo cũng đã hàm chứa nội dung nghi-lễ, tán thán, bái lạy đầy đủ rồi. Đơn cử như khi thực hành nghi-lễ Phật giáo, điều trước tiên đòi hỏi phải có sự trang nghiêm thanh tịnh từ chủ quan (người lễ), lẫn khách quan (Người, nơi chỗ lễ ), đó gọi là (Năng lễ, sở lễ tính không tịch). Sau đó mới kể đến các mục chi tiết, bài bản khoa giáo, nhạc cụ diễn tấu theo sau. Với mục đích ý nghĩa giá trị lễ bái, mong cầu những ước muốn cao quý, tốt đẹp thể nhập phù hợp với tinh thần từ-bi, trí-tuệ, giác-ngộ, giải-thoát cứu độ chúng sinh của Phật-giáo. Không lạm dụng mong cầu nghi-lễ Phật-giáo trong các lĩnh vực sinh hoạt, văn hoá đời sống xã hội một cách máy móc, bừa bãi làm mất đi giá trị cao quý trong lời tán tụng từ các khoa giáo của nghi-lễ Phật-giáo. Hoặc dùng nghi-lễ Phật-giáo như một pháp môn tu tập cứu cánh, phổ cập gây hiểu lầm về Phật-giáo trong giới đồ Phật-tử, cũng như trong quần chúng xã hội. Thực chất về nghi-lễ Phật-giáo chúng tôi được các Bậc tôn túc chỉ dạy, là vì mục đích truyền bá phật giáo dựa trên phương tiện lễ-nghi, cúng bái nhằm kết thiện duyên với chúng sinh, từ-bi, bố-thí tài thí-pháp thí rộng khắp đến mọi tầng lớp xã hội từ việc ứng-phó vậy. Như nhờ vào một đàn lễ rộng khắp (Phổ thí), thu hút được sự chú ý hoặc sự hiếu kỳ của bộ phận dân chúng khi chưa phải là Phật-tử đến xem nghe, dự lễ mà tuyên dương giáo-pháp Phật-đà. Như vậy gọi là Phương-tiện thiện xảo, Phương-tiện Pháp môn của Phật giáo.

Ngón tay chỉ trăng

Thực tế bởi đôi khi con người ta chưa có bệnh tật gì, thì không mấy ai quan tâm để ý tìm chữa bệnh viện hay thầy-thuốc, chỉ khi nào có bệnh người ta mới tìm và có nhu cầu chữa trị bệnh vậy. Phật-giáo cũng tương tự như thế, cứu chữa giúp người ta qua khỏi những tâm-bệnh trầm trọng mà không thể có một liều thuốc quý giá nào có thể chữa khỏi. Chính vì vậy mà đức-Phật được tôn xưng là Bậc Lưỡng-túc-y-vương, nghĩa nói Phật là vua trong các hàng thầy thuốc của nhân loại. Vì không chỉ chữa tâm bệnh, mà y cứ đạo lý Phật giáo có thể cứu chữa cả thân bệnh như việc giữ gìn uy-nghi, đạo đức sinh hoạt giới điều của một người Phật-tử trong lành, hạnh phúc ấm êm.

Là đệ tử của Phật

Trong cả bốn oai nghi

Phải y theo gương Phật

Để hoàn thiện nhân cách

Như vậy để hiểu thêm rõ hơn phần nào về nghi-lễ Phật giáo, chúng ta có thể thấy qua tất cả những bản Kinh đều mở đầu bằng việc lễ-bái tán thán công hạnh của tất cả chư Phật và Tam-bảo trong khắp cả mười phương. Sau đó là những lời văn về giáo lý từ-bi, trí-tuệ,vô-thường, vô-ngã,… độ sinh-cứu khổ, độ tử-cứu sinh bao hàm trong giáo lý ấy. Vậy nghi-lễ Phật-giáo nói chung cũng chính là những lời Kinh, lời Kệ tán thán được đúc kết, hay rút ra từ những bản Kinh-điển Phật dạy ấy vậy, “ Vô thượng thậm thâm vi diệu Pháp”.    

Hơn nữa Phật pháp vốn là Bất-định-pháp, tất cả các Pháp đều là phương tiện đưa người đến rốt ráo Giác-ngộ, Giải-thoát an nhiên, tự tại. Tất cả các Pháp đều được xem là Ngón-tay chỉ Trăng ” Nguyệt chỉ”, nhờ có Tay mới biết được Trăng, vậy giữa Tay và Trăng cũng giống như Mê và Ngộ. Như người qua sông cần phải có Đò, khi qua được sông rồi thì không còn lệ thuộc vào Đò nữa. Còn nếu chưa qua được sông mà vội bỏ Đò thì sẽ bị chìm đắm giữa sông. Lễ-nghi, Khoa-giáo các Pháp của Phật dạy cũng tương tự như thế, với người Giác-ngộ thì không câu lệ chi chi, còn người mê mờ thì vốn tự ràng buộc quanh quẩn, giống như câu: ” Chính nhân thuyết tà, tà tất quy chính. Tà nhân thuyết chính, chính tất quy tà” là vậy. Đại ý nói người đã chân chính Giác-ngộ thì nói chi cũng là Phât Pháp, còn kẻ tà vạy thì dù có cố gắng nói cho hay cho giỏi ” Xảo ngôn ” thì rốt cuộc tất cả đều là tà vạy, phi pháp vậy.   

X