Ghi chú Về Bộ Tạp Tiếu Chư Khoa
Hiện còn lưu hành chúng ta được biết có 3 truyền bản “Tạp tiếu chư khoa”.
1. Bản Liễu Chàng 柳幢 hay Cựu bản được khắc ở xã Liễu Chàng, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang vào niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1848). Trọn bộ 5 tập 37 khoa 380 trang. Mỗi trang chia làm 6 hàng không kẻ cột. Mỗi hàng 13 chữ (tính theo hàng nhiều chữ nhất). Chữ viết thô quệch. Sách không có lời giới thiệu. Niên đại được ghi ở đầu tập 1, nơi tàng bản được ghi ở đầu tập 2.
2. Bản Yên Viên 安圜 được thầy trò sa môn Huệ Tập Thích Huỳnh Huỳnh và Tinh Tiến Thích Sâm Sâm tổ chức tuyển tập san khắc vào niên hiệu Tự Đức Thứ 12 (1858). Mộc bản lưu tại chùa Diên Phúc, xã An Viên, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Ninh. Trọn bộ 7 tập với 444 trang. Mỗi trang chia làm 7 hàng có kẻ cột. Mỗi hàng 16 chữ. Chữ viết trau chuốt. Đầu tập 1 có lời giới thiệu 5 trang.
Sách có hai lời tựa. Tựa thứ nhất Tạp tiếu chư khoa tân tự của sa môn Tinh Tiến dài 3 trang. Tựa thứ hai là lời giới thiệu của hòa thượng Phúc Điền không có tên, dài 2 trang.
Theo lời tựa của ngài Tinh Tiến thì Tạp tiếu chư khoa được truyền sang nước ta vào giữa thời nhà Minh.
Lời giới thiệu của ngài Phúc Điền có đoạn cho biết vào thời đó có bản Tạp tiếu của người họ Liễu san khắc để buôn bán nên câu chữ sai sót luộm thuộm, thiếu trang nghiêm. Thầy trò ngài Tinh Tiến đã tuyển chọn san bổ và tổ chức trùng khắc thận trọng thật là một việc làm rất đáng tán thán.
3. Bản Xuân Lôi 春雷 được khắc vào niên hiệu Thành Thái thứ 4 (1892) tàng bản tại chùa xã Xuân Lôi, huyện Vũ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Văn bản gồm 5 tập 57 khoa. Mỗi trang có 6 hàng không kẻ cột gống bản Liễu Chàng, mỗi hàng 15 chữ. Chữ viết chân phương.
Sách có bài tựa Cung đính Tạp tiếu chư khoa tiểu dẫn của ngài Chính Đại chùa Hưng Phúc dài 1 trang. Bài tựa này lại cho rằng bản Liễu Chàng và bản Yên Viên câu chữ luộm thuộm sai sót, khoảng giữa lại khuyết lược, nên san bổ lại thành bản Xuân Lôi hoàn chỉnh hơn.
Đối chiếu ba truyền bản ta nhận thấy số lượng và thứ tự các khoa không giống nhau. Có nhiều khoa xuất hiện ở cả ba bản, một số ít khoa xuất hiện ở hai bản và một số hiếm chỉ xuất hiện “độc quyển” ở một bản, như khoa Giải kết của bản Yên Viên, khoa Dự cáo nghi của bản Xuân Lôi…
Thường thì các sách khoa cúng, trừ một số sách của đạo Lão, đạo Khổng hay sách cúng Mẫu, cúng chư Thánh là được khắc trong dân hoặc ở các đình, đền; đa phần các sách có liên quan đến hai hàng chân tục đều được khắc mộc bản ở các chùa. Hơn nữa một văn bản thuộc loại lớn có nhiều tập như Tạp tiếu chư khoa, sức của tư nhân rất khó làm nổi, trừ khi đó là hàng đại quan hoặc phường buôn. Bản Liễu Chàng lại không đề tổ chức nào khắc bản, chỉ đề: Ninh Giang phủ, Gia Lộc huyện, Liễu Chàng xã thôn ký tân san khắc Tạp tiếu chư khoa.
Số lượng chỉ có 37 khoa cúng so với 56 của Yên Viên và 57 của Xuân Lôi cũng nói lên xu hướng muốn chọn những khoa thông dụng để bán được nhiều của nhà buôn. Ván khắc có thể ít được đầu tư, mực in kém chất lượng hơn so với các bản được khắc ván và in ấn trong chùa.
Việc xuất hiện bản Yên Viên chỉ 10 năm sau bản Liễu Chàng ra đời mặt nào đó cũng cho thấy sự khiếm khuyết của bản Liễu Chàng. Thông thường một văn bản có dung lượng lớn như vậy ra đời phải mất vài chục năm sau mới xuất hiện văn bản tân san khi văn bản cũ hầu như không còn.
Có thể từ cuối Lê đã xuất hiện và lưu hành bản Tạp tiếu chư khoa tương đối đầy đủ. Về sau nhận thấy có nhiều người sử dụng nên người họ Liễu đã nhờ thợ Liễu Chàng khắc ván những khoa thông dụng nhất trong bộ khoa cúng này. Theo chúng tôi bản của người họ Liễu chính là bản Liễu Chàng hay Cựu bản. Tuy nhiên, mọi suy luận đều có thể sai. Để chắc chắn hơn điều này, chúng ta cần sưu tầm thêm tư liệu và quý vị cao minh bổ chính.