Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Tăng Bảo Giá Trị Và Thứ Lớp

Thái tử Tất-đạt-đa sau khi thành Phật hiệu Thích-ca-mâu-ni, Ngài đã chia sẻ giáo lý Tứ-diệu-đế cho Năm anh em ông Kiều-trần-như tu học theo. Khi đó Tăng đoàn Phật giáo đã có đầy đủ Ngôi Tam-bảo, gồm có Phật-bảo là đức Phật Thích-ca, Pháp-bảo là Tứ-thánh-đế, Tăng-bảo là Năm anh em ông Kiều-trần-như. Từ đó cho thấy hệ thống Phật giáo được hình thành theo thứ lớp cụ thể nhất quán, trên nền tảng Tam-bảo gồm cả Sự-lý viên dung. Tam-bảo liên quan mật thiết với nhau cũng được ví như cái Đỉnh vạc có ba chân, không thể thiếu một chân được, bởi thiếu một chân sẽ không đứng vững hay tồn tại được. Trong hệ thống giáo lý Phật giáo cũng thế khi quy kính, hay quay về nương tựa tu học theo Tam-bảo mới đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa của Phật giáo. Mà cụ thể Tăng-bảo là hiện tại, là sứ giả truyền trì mạng mạch Phật giáo.

Theo ghi nhận trong khoảng 12 năm đầu tiên Phật giáo hình thành với sự giáo hóa trực tiếp của đức Phật và hầu hết các bậc xuất gia là hàng Thánh-tăng. Không có các chuyện thị phi, không có các chướng duyên bên ngoài ảnh hưởng đến Tăng đoàn, nên giới luật còn sơ sài chưa có nhiều hạn mức cụ thể. Sau đó Phật giáo ngày càng hưng thịnh, Tăng đoàn càng thêm đông nhiều lên với đủ các tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ. Từ đó nảy sinh nhiều chướng lậu, mâu thuẫn ảnh hưởng đến đời sống tu học của chư Tăng làm phai nhạt hình ảnh Tăng-bảo trong giới tín đồ Phật tử. Căn cứ từ thực tế đời sống của các vị xuất gia do các chướng duyên, nảy sinh mà đức Phật thiết chế Luật-tạng “Quỹ tắc uy nghi tịnh như băng tuyết”; ( Uy nghi phép tắc, điều Luật Phật chế trong sạch như băng tuyết). Mục đích nhằm ổn định và phát triển Tăng đoàn, khiến cho chư Tăng hoan hỷ tu học, giới đồ Phật tử càng thêm quy kính chư Tăng hơn, Ngôi Tăng-bảo càng được quy kính.

Vậy sau khi Phật nhập diệt thì chư Tăng đã thống nhất, tôn kính lời Di-giáo của bậc Thầy mô phạm là lấy Giới-luật để duy trì và phát triển tăng-đoàn. Lời kinh Di-giáo dạy:“Nhữ đẳng tỳ-kheo! Ư ngã diệt hậu, đương tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa. Như ám ngộ minh, bần nhân đắc bảo, đương tri thử tắc thị nhữ đẳng đại sư”. (Này các Tỳ-kheo! Sau khi ta nhập diệt, phải tôn trọng, cung kính đối với Giới-luật. Cũng như ở chỗ tối tăm được thấy ánh sáng; như người nghèo được của báu. Nên biết rằng Giới-luật là thầy của các ông, cũng như ta còn trụ thế, không hề khác biệt). Vậy Giới-luật được coi là mực thước là lớp lang, thứ tự để đo lường tuổi tác ( Tuổi đạo), tôn ti trật tự trong Tăng đoàn. Vả lại nhờ việc phân biệt Tuổi đạo lớn nhỏ để xưng hô và để Tôn-trì các nghi thức khác nhau của Phật giáo trong Tăng đoàn. Có thứ lớp để phân biệt Tôn kính lẫn nhau trong mọi sinh hoạt hàng ngày của chư Tăng, hơn nữa người xuất gia căn cứ việc giác ngộ tu học làm phương trâm quan trọng hàng đầu. Thế nên không thể căn cứ tuổi đời ở thế gian mà xưng hô, phân biệt thứ lớp cho hợp đạo và pháp xuất thế được. Vẫn biết rằng Phật tính vốn bình đẳng như nhau không Nam-bắc, Đông-tây thì nào đâu có lớn nhỏ , cao thấp. Song không thể không có tôn ti trật tự lớp lang được, chính đức Phật đã chỉ dạy điều này khi tế độ Ngài La-hầu-la làm đệ tử xuất gia nhỏ tuổi đầu tiên. Khi đó Ngài Xá-lợi-phất làm Hòa thượng, Ngài Mục-kiền-liên là Giáo-thọ, Ngài Ưu-ba-li làm Tuyên luật sư, mục đích thể hiện rõ ràng thứ lớp và vị trí của Tam-bảo không lẫn lộn đến nhau.

Lại nữa người tu đạo Giác-ngộ giải thoát phải tôn kính và lấy Giới-luật làm bậc thầy mô phạm hiện tại ở đời sau khi đức Phật nhập Niết-bàn. Khi đó mới xứng đáng trong hàng Tăng-bảo một trong ba Ngôi báu để trời người quy kính và giúp ổn định, phát triển Tăng đoàn. Lại khiến cho chư Tăng hoan hỷ cảm thán bội phục vào chính bản thân mỗi người xuất gia trong đoàn thể thanh tịnh cao quý vậy. Thế nên với người xuất gia là đã phải khác hẳn kẻ thế tục từ tâm tính, hình tướng thì sao không biết coi trọng phân biệt lớn nhỏ, trước sau. Đơn cử như người xuất gia trước là anh, người xuất gia sau là em, lại người thọ giới trước là anh và người thọ giới sau là em mới thể hiện rõ giá trị chính đáng trong Phật giáo.

“Gọi là bậc trưởng lão

Không phải do tuổi cao

Thân già và tóc bạc

Hạng xuẩn ngu khác nào”

“Gọi là bậc Sa-môn

Không phải do cạo tóc

Nếu vọng ngữ tham lam

Khác chi hạng tục phàm”

 Thế nên với người tu đạo phải biết Tàm-quý tức là biết Hổ-thẹn, khi mình được Xuất-gia dự trong hàng ngũ Tăng-bảo mà không xứng đáng với Bản-hoài của Như Lai. Điều này được Ngài Quy Sơn Linh Hựu than thở: “Cho đến khi tuổi đời cao, Tuổi-hạ lớn mà bụng thì trống rỗng, tâm ý cao ngạo, không chịu gần gũi bạn lành, càng thêm ngạo mạn. Chẳng am tường và chất chứa một chút nào về Giáo-pháp, điều Luật, lại còn lớn tiếng, to mồm nói năng vô phép. Không biết kính trọng các bậc Tôn-đức, giống như kẻ Bà-la-môn tụ tập xô bồ”.

“Gọi là bậc trưởng lão

Không phải do tuổi cao

Thân già và tóc bạc

Hạng xuẩn ngu khác nào”

Như vậy Ngoài Phật-bảo, Pháp-bảo thì Tăng-bảo luôn được xem là giá trị sống còn để duy trì và phát triển ba Ngôi báu ở thế gian. Hàng Phật tử luôn hy vọng trông ngóng vào chư Tăng đại diện để phát tâm tu tập “ Người-kia là Bậc trượng-phu, ta đây cũng có thể như thế”.  Mong muốn thực hành giáo Pháp của Như Lai đem đến đời sống Hạnh-phúc, An-lạc trong mọi sinh hoạt hàng ngày của xã hội.

X