Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

LƯỢC SỬ CHÙA THƯỢNG

Chùa Thượng theo tên Tự tức tên chữ là Khánh Long Tự, bảng hiệu ( Đại tự ) cũ vẫn còn được lưu giữ. Trên quả Chuông chùa ghi là “Quan Thượng Tự Chung”, nghĩa là Chuông Chùa Quan Thượng; ghi theo tên Làng. Thuộc thôn Quan Thượng xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, năm 2019 dồn chung với thôn An Lạng ( An Lãng) nay gọi là thôn Quan Lạng.

Năm 2009 chúng tôi về nhận trụ trì được các cụ trong làng kể lại rằng: Vốn chùa xưa nằm ở vị trí khu vực đất Thờ ngày nay. Gồm có khu Chùa, đất ruộng vườn, Giếng chùa. Thời kỳ chiến tranh Ngôi chùa bị cháy hư hoại, nhân dân đã di dời chùa về cạnh ngôi Đình làng với vị trí như hiện nay. Không rõ cụ Ni trưởng về trụ trì từ năm nào nhưng khoảng năm 1990 dân làng bốc hài cốt và xây Tháp thờ cụ Ni tại vườn chùa như ngày nay. Lúc đó Ni trưởng khoảng 98 tuổi theo thông tin của cô cháu con em út thứ 10 của Cụ ni vẫn còn sống đến năm 2023 cụ ông cũng gần một trăm tuổi.

Chúng tôi căn cứ trên quả Chuông chùa ghi rõ niên đại và những Gia-chủ cúng tiến tiền ( Tiền Quan) để đúc Chuông.

01.明 命 貳 拾 年拾月貳拾吉 日 本 社造鑄洪鐘

Minh Mạng, Nhị thập niên, Thập nguyệt, Nhị thập cát nhật, Bản xã tạo chú hồng chung .

02.本 社譚文掸寫 字 鍾

Bản xã Đàm Văn Đàn (Đạn) tả tự chung

03.安 浪 社 住 持 本 寺 字 感 惠 進 供 二 貫  

An Lãng Xã Trụ trì bản tự, Tự Cảm Huệ tiến cúng nhị Quan

Phần Dịch Nghĩa :

01.Thời vua Minh Mạng, năm thứ 20 ( tức năm 1839 ), Tháng 10, ngày 20 ( giờ) tốt lành, đúc quả Chuông tại  chùa Làng (Xã xưa).

02. Ông Đàm Văn Đàn (Đạn) là người làng này viết chữ để khắc lên chuông  

03. Xã An Lãng bản tự Trụ trì Tự Cảm Huệ cúng tiến hai Quan tiền.

Ngoài ra còn có Hai cái Nóc (Long cốt) chùa đã trả qua quá trình trùng tu, sửa chữa cũng có ghi rõ thời gian:

01.皇 朝 維 新 五 年 孟冬吉 日 修葺 成

Hoàng triều Duy Tân, Ngũ niên mạnh đông, cát nhật tu tập thành

02.皇 朝保大五 年歲 次 庚 午 十 二 月 十 一 日 良 時 豎 柱 上樑大吉昌  

Hoàng triều Bảo Đại, Ngũ niên, Tuế thứ canh ngọ niên, thập nhị nguyệt, thập nhất nhật, lương thời thụ trụ thượng lương đại cát xương.

Nghĩa:

01.Triều đại vua Duy Tân thứ Năm (1911) Tân Hợi, đầu mùa đông ( tháng 10), ngày lành tu sửa xong Ngôi chùa  

02. Triều đại vua Bảo Đại thứ Năm (1930) Canh Ngọ, tháng 12, ngày 11 giờ lành cất dựng xong cái nóc.

Như vậy về niên đại xây dựng Ngôi chùa cũng không rõ năm nào. Chỉ còn lại Một quả Chuông, Một tấm Đại tự và Hai cái Long cốt ( Nóc giữa ), ghi chép năm trùng tu. Bộ tượng thờ cũng đã được Tôn tạo thêm.

Ni trưởng trụ trì Viên tịch, được dân làng gọi tên là Cụ Sư Vi ( ?-1990) . Phần Tháp mộ được an trí trong khuôn viên vườn Chùa. Theo tên trên quả Chuông thì tên Tự của vị sư Trụ trì trước là Cảm Huệ ( 1839), không có phần Tháp mộ ở Chùa. Từ năm 1839 đến năm 1990 khoảng 151 năm.

Kết luận chung:

01. Chùa tên Khánh Long Tự-Chùa Khánh Long ( Chùa Thượng )

02. Thời gian đúc Chuông là Ngày 20 tháng 10 năm 1839, tính đến Năm 2023 là 184 năm, vị Sư trụ trì là Cảm Huệ

03. Ni trưởng trụ trì kế tiếp là Thích Đàm Vi ( ?- 1990), có Tháp mộ tại chùa.

04. Năm trùng tu Chùa hiện có hai cái Nóc để căn cứ. Tu sửa Lần 1: Năm (1911) Tân Hợi, Lần 2: Năm (1930) Canh Ngọ, và khoảng năm 2002 Dân làng có trùng tu cơ bản thêm một lần nữa.

Đến năm 2022, chúng tôi đã tôn tạo xây dựng cơ bản lại hoàn chỉnh ngôi Chùa đi vào sử dụng như hiện nay. Trân trọng ghi nhận, cám ơn mọi nhân duyên, công đức của các gia chủ và Phật tử xa gần!

Bản tự trụ trì Tăng Nhật Quang cẩn chí!

PHẦN THAM KHẢO:

CÁC TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN

Vua Gia Long, hưởng thọ 59 tuổi, ở ngôi 18 năm, miếu hiệu là Thế Tổ

01. Gia Long嘉隆: Tại vị từ 1802 -1820 được (18 năm)

02. Minh Mạng明命: Tại vị từ 14 tháng 2 năm 1820 – 20 tháng 1 năm 1841 (20 năm)

03. Thiệu Trị紹治: Tại vị 11 tháng 2 năm 1841 -4 tháng 11 năm 1847 (6 năm)

04. Tự Đức嗣德:  Tại vị 5 tháng 11 năm 1847 -19 tháng 7 năm 1883 (35 năm)

05. Hàm Nghi咸宜:  Tại vị 2 tháng 8 năm 1884 – 19 tháng 9 năm 1885 (1 năm)

06. Đồng Khánh同慶:  Tại vị 19 tháng 9 năm 1885 -28 tháng 1 năm 1889 (3 năm)

07. Thành Thái成泰: Tại vị 2 tháng 2 năm 1889 -3 tháng 9 năm 1907 (18 năm)

08. Duy Tân維新:  Tại vị 5 tháng 9 năm 1907 -6 tháng 5 năm 1916 (8 năm)

09. Khải Định啓定: Tại vị 18 tháng 5 năm 1916 -6 tháng 11 năm 1925 (9 năm)

10. Bảo Đại保大: Tại vị 6 tháng 11 năm 1925 -30 tháng 8 năm 1945 (19 năm)

Ngoài ra còn các vị Vua khác nhưng thời gian trị vì quá ít không tiện liệt kê như: Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc,…

X