Câu Hỏi Thường Tình
Nguyên nhân từ câu hỏi của một Phật tử về việc đi Chùa tụng kinh bái Phật, đại ý là: “Các bà đi Chùa tụng kinh vậy có hiểu được ý nghĩa của kinh Phật không” ? Để trả lời câu hỏi thường tình này một cách ngắn gọn, súc tích thì quá đơn giản. Nên tôi đã đưa thêm một số dẫn chứng cho câu trả lời và giải thích cho vị Phật tử của mình tăng thêm hiểu biết. Mong muốn vị ấy sẽ cảm nhận, cùng đồng thời cũng tăng thêm phần tín tâm Bồ-đề kiên cố cho việc làm phúc đức của mình.
Câu chuyện đầu tiên tôi muốn chia sẻ là Điển tích của vị Trưởng-lão Chu-lợi Bàn-đặc hay còn gọi là Chu-lợi Bàn-đà-già, thời Phật còn tại thế. Đại ý Điển tích về ngài ngắn gọn là một con người dốt nát, không được học hành nên không biết chữ nghĩa gì. Chính đức Phật truyền dạy Ngài bốn câu kệ mà Ngài cũng không học thuộc. Công việc chính của Ngài là quét dọn Tinh-xá, nên một hôm để hóa độ Ngài, đức Phật dạy Ngài chỉ cần tâm niệm nhớ hai tiếng “Chổi quét”. Thế mà Ngài cũng không nhớ nổi, cho nên các vị Tỳ-kheo và các Phật tử đều chê cười Ngài. Thậm chí anh trai Ngài là Tỳ-kheo Đại Bàn-đặc cũng không muốn Ngài trong Tăng đoàn vì làm ảnh hưởng xấu đến chư Tăng. Vì vậy anh trai Ngài có ý định đuổi Ngài rời khỏi Tăng đoàn quay về đời thường. Quán sát thấy điều đó nên Đức Phật đã kịp đến hóa độ Ngài. Đức Phật đưa cho Ngài tấm khăn vải trắng và dạy Ngài dùng để lau thân thể và tâm niệm “Tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn, tẩy sạch bụi bẩn!”.
Sau nhiều lần lau chùi thân thể thì tấm khăn trắng kia bị dơ bẩn, Ngài cũng chợt hiểu rằng tất cả đều Vô-thường và thốt nên rằng: “Các hành quả thật vô thường!”. Và trong một lần nọ y sĩ Kỳ-bạt thỉnh chư Tăng đến nhà thọ trai, nhưng không mời Chu-lợi Bàn-đặc vì coi thường Ngài đần độn, dốt nát, có ý khinh thường. Nhưng đức Phật quán sát thấy Ngài đã khai ngộ nên dùng thần thông đến trước mặt Ngài đọc bài kệ “Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn…”( Hòa Thượng Minh Châu dịch)
Ngay khi đó Chu-lợi Bàn-đặc chứng quả A-la-hán, thông suốt các Pháp sinh diệt thế gian. Lúc bấy giờ y sĩ Kỳ-bạt dâng nước và đồ ăn lên đức Phật, nhưng Phật biết nên liền hỏi có Tỳ-kheo Chu-lợi Bàn-đặc chưa. Vị y sĩ này Bạch rằng Tỳ-kheo Đại Bàn-đặc nói là không còn vị Tỳ-kheo nào ở Tinh xá. Đức Phật nói vẫn còn Tỳ-kheo nữa, y sĩ liền cho người đến xem. Lúc bấy giờ vì có Thiên-nhĩ thông nên Chu-lợi Bàn-đặc nghe biết liền biến hóa ra hàng nghìn vị Tỳ-kheo. Khi ấy gia nhân của y sĩ phải ba lần đến mới thỉnh mời được Chu-lợi Bàn-đặc đến nhà thụ trai. Sau buổi thụ trai ấy đức Phật dạy y sĩ Kỳ-bạt thỉnh Ngài Chu-lợi Bàn-đặc thay chư Tăng thuyết pháp, chúc phúc cho gia chủ. Từ đó chư Tỳ-kheo và cư sĩ Phật tử càng thêm kính trọng lễ bái Ngài Chu-lợi Bàn-đặc, vì biết Ngài đã chứng Thánh quả.
Câu chuyện thứ hai gần nhất là Ngài Lục Tổ Huệ Năng, một trong các vị Tổ sư cuối cùng kế thừa Y-bát của Phật-tổ truyền lại. Đại ý trong “Pháp Bảo Đàn Kinh” cũng nói Lục Tổ Huệ Năng cũng không biết chữ, khi được người ta đọc bài kệ Bồ-đề của Giáo-thọ Thần Tú viết. Ngài Huệ Năng liền ngay đó cũng khai Ngộ và nhờ người ta viết bài kệ khác của mình đối lại bài kệ của Thượng Tọa thần Tú. Bấy giờ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng là cơ duyên Đốn-ngộ, sẽ được kế thừa Y-bát làm Tổ sư thứ sáu. Ngũ Tổ liền xóa bỏ bài kệ và ra hiệu cho Huệ Năng nửa đêm đến Thiền Thất để Ngũ Tổ truyền trao Y-bát. Sau khi truyền trao Y-bát cho Huệ Năng, Ngũ Tổ liền đuổi Huệ Năng đi nơi khác để truyền bá Hoằng dương Phật Pháp. Bởi ở Đạo-tràng của Ngũ Tổ có Ngài Thần Tú là Bậc Giáo Thọ Sư, là Bậc Thầy Mô-phạm trong chúng, chuyên chỉ dạy các Sư tu học thế mà không được truyền Y-bát. Tự có một vị mới tu tập như Huệ Năng, vừa không biết chữ, vừa ở xứ ngoại thành lại được truyền Y-bát làm Tổ Sư thứ sáu vậy. Điều này thật không dễ hiểu cho Đạo-tràng của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Vậy nhưng đó lại là một sự thật không thể phủ nhận, Huệ Năng được tả là một người thuộc xứ Man Di, Mọi Rợ thuộc hệ rừng rú xa xôi. Thế mà Huệ Năng lại Đốn-ngộ trở thành Tổ Sư của Phật giáo, còn Ngài Thần Tú cao học, uyên thâm chữ nghĩa lẫy lừng lại chỉ là một vị Sư thông thường.
Trong Giai-thoại của Ngài Huệ Năng còn ghi chép có vị Tăng tên Pháp Đạt Xuất-gia từ thủa nhỏ, từng tụng Kinh đến hàng nghìn Bộ. Khi đó Pháp Đạt đến ướm hỏi Lục Tổ xem Đại ý Phật Pháp, và Ông tự khoe mình đã tu tập và Trì-tụng kinh rất nhiều. Nhưng sau đó Pháp Đạt được Lục Tổ khai thị, Ông liền Giác-ngộ và thốt lên rằng: “ Kinh tụng tam thiên bộ-Tào Khê nhất cú vong”. Đại ý Ngài Pháp Đạt nói mình đã tụng đến ba nghìn bộ Kinh rồi, mà khi gặp Lục Tổ Huệ Năng, chỉ một câu Ngài mới vỡ lẽ ra Phật Pháp.
Câu chuyện nữa là ở Việt Nam mình, tôi cũng được chư Tôn túc Hòa Thượng kể và đã từng chứng kiến có các vị Phật tử già ốm yếu. Các vị Phật tử già yếu kia, khi nằm thoi thóp cận tử nghiệp đến nơi mà miệng vẫn thầm đọc niệm “ A mô ri Phật”. Rõ ràng là danh hiệu Phật “A-di-đà Phật” còn đọc sai thế mà các vị vẫn bình thản, nhẹ nhàng ra đi, không đau phiền kêu khóc. Như vậy cho thấy việc áp dụng thực hành, công phu tu tập cho bản thân mỗi người là quan trọng. Dù là phương pháp nào nếu tâm chuyên nhất, không tạp loạn, ý hướng thiện đều thành tựu cả. Điều này đã tự minh chứng ở trên khi đức Phật dạy Ngài Chu-lợi Bàn-đặc tu tập pháp quán niệm “Bụi bẩn” . Cũng vậy việc thực hành giáo Pháp Phật cũng như uống nước, tự sẽ biết nóng, lạnh không phải chỉ là nghe kể, hay miêu tả bằng văn tự.
Trở lại câu hỏi trên tôi xin đưa ra câu trả lời đại ý là: Không chỉ một câu hỏi mà đã đi hết quãng đường đời. Không thể một câu trả lời mà đã hiểu hết tất cả. Trong khi đó Phật Pháp vốn Vô-lượng, Vô-biên, chính Đức Phật cũng từng nói điều này. Đại ý đức Phật cũng nói trong Kinh Lá rừng Simsapà (Tương Ưng): “Cái hiểu biết của Ta như lá rừng Simsapà, còn cái Ta nói ra như nắm lá Simsapà cầm trong tay vậy”. Như vậy cho thấy để tìm hiểu, hay để hiểu biết một vấn đề không đơn thuần chỉ là một câu trả lời đúng. Mà nó còn cần phải được thực hành và trải nghiệm, nhất là đối với Phật-giáo. Tức chính là lời đức Phật chỉ dạy, đó là con đường, là cái đích mà mỗi hành giả chúng ta nhắm đến. Còn phần đi hay đến được hay không là tùy vào việc thực tập của mỗi hành giả. Vì Phật Pháp được gọi là Hành-giả, Tu-hành chứ không chỉ dừng lại ở Học-giả, hay Thức-giả chỉ là người hiểu biết mà thôi.
Hơn nữa học, hiểu được Phật Pháp đúng nghĩa là cả một ước nguyện, phát tâm dũng mãnh của mỗi hành giả thực hành. Điều này được minh chứng mở đầu cho các Bộ-kinh: “ Phật pháp rộng sâu khó nghĩ bàn. Trăm nghìn muôn ức kiếp khó gặp. Nay con thấy nghe được thọ trì. Nguyện xin hiểu rõ nghĩa Phật dạy”. Bởi người giải, nói Kinh Pháp rất nhiều nhưng để hành trì đúng nghĩa như thế thì thật cũng khó. Tất cả đều như “ Thầy bói mù sờ Voi”, chỗ nào cũng bảo là con Voi. Thật ra không sai, nhưng cũng không đúng, mà là thiếu, vì tất cả miêu tả đó mới là con Voi chứ đó chưa phải là một con Voi thật sự. Cũng thế hiểu biết được Phật Pháp chỗ nào thì biết chỗ đó chứ, giải sao hết nổi Nghĩa thậm thâm kia.
Vậy tóm lại để khuyên quý Phật tử khi được hỏi về Phật Pháp, tôi khuyên vị ấy bảo nên đến hỏi Nhà-sư. Hay là vui mồm đọc bài kệ “ Chớ làm các việc ác. Siêng làm các việc lành. Giữ tâm ý ngay thẳng. Là lời chư Phật dạy”. Hoặc hơn nữa thì trả lời vì chúng tôi không hiểu nên mới cần phải Tụng đọc Kinh điển của Phật.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm “Pháp Sư” Thứ Mười có nói: “Nếu lại có người thụ-trì đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Diệu-Pháp-Liên-Hoa, nhẫn đến một bài kệ, đối kinh-điển này cung-kính xem như Phật”
Như vậy cho thấy công đức giá trị của việc Tụng đọc, giảng nói lưu truyền Kinh điển thật to lớn vô cùng.