VIẾNG CHÙA XƯA
Đi rồi mới đến , đến rồi mới biết những lý do thực tại phù hợp văn hóa dân gian .Không mang tính chất so sánh đối chiếu ,mà mang một ý nghĩa thiết thực về thời gian ,không gian lịch sử xã hội .Ngôi Chùa xưa với những cái tên gần gũi gắn bó trực tiếp với làng quê nên có tên gọi là Chùa làng như: chùa Hương , chùa Nổi ,… vì chùa của làng nên tất cả mọi người đều quen gọi theo tên làng từ thời xa xưa. Tên làng và tên Chùa được mặc định gọi cho tất cả mọi người biết về nơi sinh ra ,lớn lên của mỗi người dân Việt . Mặc dù mỗi một ngôi Chùa đều có tên chữ “ tên tự của chùa ”khác nhau, hoặc giống nhau như Phúc Lâm Tự ,Báo Quốc Tự ,…nhưng tất cả mọi người đều quen gọi tên Chùa theo tên làng của mình .
Ngày còn đi học ,ngày nào chúng tôi cũng đi qua cổng Chùa làng ,cả bọn xúm lại xem đọc những chữ viết trên cổng chùa . Đám học sinh chúng tôi huyên thuyên đọc vẽ những chữ ngoằn nghèo . Đặc biệt ba chữ to nhất phía trên chính giữa cổng chùa, nào là Chùa Quân Hành “ tên làng ”, Chùa Hồng Ân ,…tất cả đám chúng tôi kêu to khẳng định. Chuyện ngày xưa cho đến tận sau này đọc biết được đó là ba chữ “ Khai Giác Đạo ”. Tôi cười thầm chợt nhớ chuyện ngày xưa và với ý nghĩa mục đích của người xưa muốn chỉ dạy, khai mở con đường giác ngộ an lành cho mọi người chúng ta được lợi ích.
Từ xa ngưỡng vọng ngôi Chùa
Bao nhiêu kỷ niệm chảy ùa trong tim .
Đường đời mỏi mắt lim dim
Về nơi cửa Phật ,để tìm chính ta.
Ngôi Chùa làng rêu phong cổ kính từ xa xưa được các Bậc cổ đức và ông cha ta gây tạo để lại muôn đời con cháu vâng theo duy trì nền văn hoá đạo đức tâm linh. Một làng quê văn hóa yên bình nơi chứa đựng biết bao tình nghĩa ,nơi ta sinh có đủ phúc duyên lành .Có Chùa làng có tiếng mõ trầm ngâm, tiếng chuông Chùa vang vọng mãi Từ- bi, “ Tiếng mõ gõ tan niềm tục luỵ- lời kinh xua sạch tính si mê ”. Chùa làng không nhỏ ,cũng không to nhưng đủ cho dân làng kính lễ .Kiến trúc Chùa xưa bền bỉ với thời gian ,lịch sử mặc dù chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt nóng ẩm ,mưa sa ,bão bùng. Không phải vô cớ ngẫu nhiên các Bậc cổ đức ngày xưa khi xây dựng những ngôi Chùa làng mái thấp rủ xuống và cửa đi vào nhỏ bé vừa đủ .Hay như cổng tam-quan cũng thế có khi cao ba tầng ,tám mái nhưng cửa đi vừa đủ cho người qua lại ,các bậc thềm bước lên nhỏ chỉ bằng bàn chân người đi .Thực tế những ngôi chùa cổ kính xưa ,vẫn còn giữ nguyện vẹn như vậy.
Chúng tôi đã từng trải nghiệm ngôi chùa Thầy một công trình kiến trúc Phật giáo đặc biệt về mọi phương diện ,bao gồm cả phong thủy ,thiên nhiên đặc sắc .Ngôi chùa chính “Chính điện ” đặt ở vị trí trung tâm trên gò cao của thế đất ,có đến năm bậc thềm bước lên ,nhưng các bậc thềm này chỉ to vừa bằng bàn chân người . Mục đích giáo dục của các Bậc cổ đức, dạy con người qua hình thức kiến trúc xây dựng độc đáo tự mỗi người sẽ cảm nhận được .Vì tâm tính mỗi người thay đổi bất thường ,loạn động khác nhau ,nhưng khi bước chân đến chốn Thiền môn nghiêm tịnh thì tự mình hãy buông bỏ tất cả những thói hư tật xấu. Chấp nhận bước chân đến cửa Thiền vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa ,thì mới cảm nhận được sự bình an sâu lắng .Ngay giây phút đó mới thực sự đưa con người ta trở về với chính bản thân của mình “ bản tính chân như ” . Nếu với tâm tính lăng xăng, loạn động ,vội vã thì sẽ không thể bước lên ,bước xuống các bậc thềm Chùa xưa.
Đến nơi cửa Phật là để tìm thấy lại chính bản thân mình “ bản lai diện mục ” ,tìm thấy được giây phút thảnh thơi ,giây phút an lành tự tại nơi tâm hồn mỗi con người chúng ta . Không cần quá nhiều lời lẽ giáo dục ,mà các bậc cổ đức đã xây dựng những công trình kiến trúc tâm linh như vậy cũng đã đủ để mỗi người tự cảm nhận được .Không cần viết bảng hiệu thông báo ,không cần đề bảng chữ trang nghiêm .Tự nơi đó đã thâm u tịch tĩnh ,cõi u huyền mặc mặc thanh tao .Nơi tâm linh nghi ngút khói hương tàn ,vương một chút bụi trần rêu phủ kín.
Quang Nam 2008