Mơ Ước Cuộc Đời
Thường thì trong cuộc sống, mấy ai là không có những ước mơ cho riêng mình. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thế hệ, tầng lớp nào thì cũng có những mong ước, kỳ nguyện đều rất thực tế và đúng đắn. Đơn cử như lúc còn nhỏ bé thì những mong ước thật giản dị, bình thường như: mong ước được ăn những món ngon vật lạ. Lớn thêm một chút lại mong ước học hành tiến bộ, giỏi giang, phấn đấu bằng bạn bằng bè. Lớn thêm lên chút nữa thì mong ước cao xa hơn, sau khi học hành xong thì có công ăn việc làm, chỗ đứng ổn định trong xã hội…Tất cả những mong ước ấy thật tốt đẹp, thật cao quý biết bao, nhưng thực chất cuộc sống có mấy ai là người trọn vẹn hoàn hảo được tất cả những mong ước ấy.
Thực chất đã gọi là xã hội, thì phải bao hàm đầy đủ mọi các tầng lớp, thành phần, nếu không muốn nói là giai cấp. Bởi bản chất của cuộc sống xã hội, tự nó hình thành, phát triển và phân chia như vậy. Có người già phải có người trẻ, có người tốt thì cũng tương đương có kẻ xấu, có người giàu, thì cũng lại có người nghèo. Cũng như trời đất, thời tiết có nắng ắt có mưa, có sáng ắt có tối… Con người ta có nam, rồi phải có nữ, có người làm quan chức, thì phải có người làm nông dân, công nhân…Không thể tồn tại một mặt, hay một khía cạnh dù là tốt đẹp, hoặc tất cả đều bằng nhau như mọi người mong muốn. Bởi thiên nhiên trời đất vốn dĩ đã hình thành và đang thực tại như thế. Dù biển có sâu bao nhiêu, thì núi lại cao bấy nhiêu, sông có dài tới đâu, thì đất càng rộng tới đó…
Tất cả những dẫn chứng, biện luận ở trên mục đích chúng tôi muốn đưa ra đó là sự cân bằng tương đối trong đời sống xã hội. Nhất là những cái nhận định, xu hướng của lớp trẻ trong thời buổi xã hội phát triển như hiện nay. Tầng lớp trẻ là trụ cột, là thế hệ tương lai cao xa của đất nước và là riềng mối duy trì nòi giống của gia đình, dòng tộc. Xã hội hay gia đình có ổn định, phát triển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào lớp thế hệ trẻ. Tuổi trẻ mới có khả năng phát minh, phát triển, sản sinh ra mọi thứ, dù là vật chất hay tinh thần. Tuổi trẻ mới có những mơ ước cao xa, mới có sức khỏe, mới có trí tuệ để kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn lên. Người xưa đã đặt ra quan niệm và khẳng định bản thân qua câu nói: “ Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc”. Đại ý nói con người ta đến tuổi 30 thì đã lập nghiệp thành công, xong xuôi chuyện công danh sự nghiệp, gia đình đã yên ổn ” Yên bề gia thất”. Đến tuổi 40 thì không nên còn si mê, lầm lạc, nghi ngờ các việc trên đời nữa, vì đã có đầy kinh nghiệm kinh qua trong đời mình.
Bởi khi con người ta đã đến cái tuổi 30 trở đi mà công danh, sự nghiệp gia đình không ổn định, không có chỗ đứng trong xã hội thì biết phấn đấu đến bao giờ nữa. Cái tuổi siêng năng học hành, thi thố, rèn luyện cố gắng đã không còn nữa, mọi thứ đã dần khép lại, nếu có gắng sức tập tành phấn đấu nữa cũng không còn được như lúc còn trẻ khi tuổi 20 trước. Mọi ước mơ dần cũng khép lại, bao tham vọng cuộc đời chắc cũng vơi nhạt dần theo năm tháng, bởi không sao tranh dành được với quy luật sinh tồn tuần hoàn của tự nhiên. Trời có sáng ắt có tối, người có trẻ tất có già câu nói ” Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng” là như vậy. Vì khi mùa Xuân đến thì sinh sôi nảy nở, mùa Hạ về trưởng thành tốt tươi, nhưng mùa Thu qua thì lại khép mình co lại, rồi mùa Đông sang lại giấu kín ẩn mình nằm im. Cũng tương tự như cuộc đời con người ta, lúc sinh trưởng trẻ đẹp tốt tươi rồi cũng đến lúc gia nua yếu đuối, gầy mòn không sao cưỡng lại.
Vậy nên khi có những mơ ước tốt đẹp, phấn đấu trong cuộc đời thì mỗi người chúng ta nên tranh thủ tuổi trẻ sức khỏe để cố gắng phấn đấu hoàn thiện mọi thứ cho tốt đẹp. Song chúng ta cũng nên tính toán cân nhắc mọi thứ đều có điểm dừng của nó, không nên vội vàng hoặc ì ạch phó mặc tự nhiên. Tức ý nói không nên vội vàng “ Thái quá ”, hoặc “Bất cập” mọi công việc của đời sống xã hội. Bởi tất cả đều có cái giá mà mỗi chúng ta phải trả, dù nhiều, dù ít cũng không sao tránh được những hệ quả của mọi công việc mang lại. Thế nên phải suy xét kỹ lưỡng, rộng sâu cho phía trước và tương lai sau này, câu nói “ Hãy suy nghĩ trước khi làm, hay nói”, là ý vậy. Nói như vậy mục đích chính chúng tôi muốn khuyên răn các em đương tuổi đôi, ba mươi dù nam hay nữ hãy tận dụng thời gian, cơ hội phấn đấu để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình và rộng khắp đến xã hội. Người xưa cũng chỉ dạy: “ Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ” là ý như vậy. Bởi bản thân mình có hoàn thiện tốt đẹp trước, rồi đến gia đình mình , sau nữa mới nói đến xã hội rộng lớn kia. Mơ ước xây dựng ngôi nhà cao tầng rộng lớn, mà nền móng ( tự thân) không ổn định vững vàng thì sao có thể thành công một ngôi nhà cao to được. Lại nữa câu nói “ An cư lạc nghiệp” là cũng đồng với ý nghĩa như thế. Bởi tất cả những thế chệ Cha, ông chúng ta đi trước đều đúc kết và răn dạy những kinh nghiệm tốt đẹp để lại cho thế hệ con cháu sau này. Mọi lời răn dạy tốt đẹp để thế hệ sau bắt chước thực hành, nên lan tỏa rộng khắp. Mọi lời răn đe xấu xa nên phòng ngừa, tránh xa để khỏi mang họa vào thân.
Bởi thế nên tất cả những mơ ước tốt đẹp nên tranh thủ tạo lập, giành dụm để đến lúc già yếu, đau bệnh có chỗ mà nương nhờ. Theo quan niệm người xưa cũng dạy “ Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão”, mục đích là như vậy. Ý người xưa nói chúng ta hãy tích góp, cất giữ giành giụm vật thực đề phòng lúc đói kém mất mùa. Còn là cha mẹ nuôi dưỡng con cái, cũng mong hòng đến lúc tuổi già yếu đau mà cậy nhờ, đó là lẽ thường nhiên. Song nếu trái lại không thuận theo tự nhiên như thế, thì thật bất hạnh biết bao. Bởi lúc trẻ tuối hai mươi, ba mươi mà không “yên bề gia thất”, thì đến tuổi nào mới ổn định lập nghiệp mà an cư. Thông thường ở thế gian theo quan niệm “ trai lớn cưới vợ, gái lớn gả chồng”, là sự rất bình thường, bằng không thì người làm cha, mẹ rất lo lắng buồn rầu. Bởi cũng tuổi này mọi người xung quanh đã yên ổn đâu vào đấy, như người ba mươi tuổi con cái đã tạm lớn khôn. Đến lúc sáu, bảy mươi tuổi già yếu con cái đã trưởng thành hết, lúc đó có thể tạm an nhàn hơn. Song nếu cái tuổi sáu, bảy mươi kia mà vẫn lóc cóc nuôi con mọn, thì cuộc đời ôi thật bao giờ mới hết khổ cực. Bởi thế nếu thuận lẽ tuần hoàn của tạo hóa, của tự nhiên là tương đối là tốt đẹp là như thế, bằng đi ngược lại với sự phát triển tự nhiên thì thật là trăm phần cơ cực. Tất cả các điều này đã được các thế hệ tiền bối minh chứng, đi trước khuyên răn, chỉ dạy, chúng ta thế hệ sau nên tôn trọng, duy trì và thực hành. Không đâu xa vời ngay trước mắt là gia đình Cha, mẹ của mỗi người chúng ta, hãy lấy đó mà làm phương hướng để mỗi chúng ta hãy cố gắng tự bước đi trên con đường của cuộc đời mình.
Câu nói “ Không mấy ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng hãy có gắng chọn cách mình sẽ sống”, là mong muốn lắm thay vậy. Quan điểm Hoa sen mọc ra từ bùn lầy hôi thối, nhưng lại tỏa hương thơm mát dịu là minh chứng. Hoặc như vàng, bạc cao quý, châu báu ngọc ngà kia cũng lẫn từ trong sỏi đá, đất cát mà ra. Tất cả những tài liệu nghiên cứu cho thấy, dường như các bậc vĩ nhân, người tài giỏi cũng đều có những xuất xứ, nguồn gốc tầm thường. Nhưng từ những nơi xuất sinh bình thường ấy lại tạo ra biết bao những nhân tài, kiệt xuất mà mọi người đều tôn trọng và kính phục.