Kính thưa Quý các cụ, các ông, các bà, người xưa từng nói “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, tức ý là nói đất nước lấy dân làm gốc, còn dân thì lấy ăn uống, sinh sống làm đầu. Như vậy cho thấy tất cả các đoàn thể, ban ngành đều từ dân mà ra, từ Hội người cao tuổi, Hội phụ nữ, Hội nông dân,… đều là từ dân mà ra.
Chính vì vậy chúng tôi muốn chia sẻ quan điểm về các Đoàn-hội, tổ chức của địa phương nên có cái nhìn bao quát hơn. Vì là do có những nhu cầu, tập tục của từng địa phương có khác nhau đôi chút, song nhìn chung vẫn có những điểm tương đồng. Ngoài những công việc chuyên môn của địa phương, thì việc hiếu, hỷ cũng rất lấy làm quan trọng.
Đơn cử như việc Hiếu đễ của các gia đình dù già, hay trẻ cũng là một đám Hiếu ( từ gọi chung như thế ). Mọi người có nhu cầu, hoặc mong muốn có các đoàn thể đến thăm viếng Phân ưu, thì đương nhiên gia đình đó phải tham gia các tổ chức, phong trào của địa phương. Nhất là việc mong muốn có các Phật tử đến tụng Kinh, cầu nguyện, hoặc có bài Kinh-kệ gì đó để tiễn đưa, chia tay vong linh hồn.
Nhưng khổ nỗi kinh Phật mà, đâu phải ai cũng biết đọc, tụng được, đơn giản như câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, còn chẳng niệm được huống hồ là Kinh-kệ. May ra được mấy Cụ già hay đi Chùa chiền, đọc được vài ba câu kệ tán, sám nguyện gì đó gọi là đọc Kinh. Thực chất đó không phải là Tụng-đọc kinh theo quan điểm chính thống của Phật giáo. Để giải thích rõ vấn đề Tụng-đọc kinh Phật giáo, tôi xin phép không giải thích ở đây “ Lý do không nói ngắn gọn mà hiểu được”.
Ở đây chúng tôi đang đưa ra quan điểm và cái nhìn bao quát về các tổ chức của địa phương, trên tinh thần “Nhân sinh” Phật giáo địa phương Chùa làng. Bởi bình thường không mấy ai quan tâm, đề cập đến vấn đề đoàn hội của Chùa làng, tức hội Phật tử theo đúng cả danh từ, lẫn ngữ nghĩa. Tức là lúc bình thường không mấy ai để ý xây dựng, tạo lập một Đạo-tràng, một đoàn hội Phật tử có tổ chức, có chuyên môn như các đoàn hội khác của địa phương.
Bình thường đã không tham gia, không thiện tâm tán thán, đôi khi còn có ý mỉa mai, chê trách,… nhưng động đến khi gia đình có việc Hiếu lại mong muốn, nhu cầu mời chào này nọ… thật là vô lý không tưởng. Vậy thử hỏi lấy đâu ra người, lấy ai làm công việc đáp ứng các nhu cầu về đám Hiếu đễ này, “ hạt không gieo, mà đòi có hoa trái hưởng thụ” thật là vô lý.
Chính vì vậy chúng tôi khuyến cáo mọi người, nên dành giụm chút thời gian tham gia các tổ chức, hoạt động cộng đồng của địa phương. Trong đó có tổ chức hội Phật tử, hội Tụng-kinh, phải biết thực tập đọc tụng một vài bài Kinh-kệ Phật giáo, hoặc khởi thiện tâm tán thán, ủng hộ những người tham gia tổ chức Phật tử này. Với tinh thần người xưa từng dạy “Không được ăn thịt, ăn xôi, cũng được lời nói cho tôi vừa lòng”.
Với quan điểm của Phật giáo thì công đức Tùy hỷ, Tán thán, khen ngợi người khác làm việc phúc, việc lành, ngang bằng công đức Tán thán, cúng dường mười phương chư Phật. Đại ý Kinh Pháp Hoa Phẩm Tùy Hỷ Công Đức thứ 18 có nói “…Người hãy xem khuyên nơi một người khiến qua nghe pháp mà công đức như thế, huống là một lòng nghe, nói, đọc, tụng, lại ở trong đại chúng vì người phân biệt, đúng như lời dạy mà tu hành…”.
Như vậy để đáp ứng các nhu cầu Tâm linh, tín ngưỡng của địa phương, chúng tôi thiết nghĩ mọi người hãy cùng nhau chung tay xây dựng một đoàn thể tổ chức Phật tử vững chắc. Trên tinh thần Từ-bi, Trí-dũng, Bình-đẳng theo quan điểm “ Ăn hiền ở lành” của Phật giáo mà mọi người thường hay đề cập. Hoặc mọi người thường hay quan niệm, Phật tại tâm cho đúng giá trị ý nghĩa của câu nói cửa miệng này. Như thế mới có thể hiểu Phật tại tâm là Phật như thế nào ? còn Tâm kia là tâm gì?
Cho nên phải biết rằng tất cả các tổ chức, đoàn thể đều có nội quy, luật lệ, quy chế, nội dung hoạt động. Thì đương nhiên hội Phật tử là một tổ chức mang danh là con Phật, mà không giống Ngài chút đỉnh nào chăng? Lẽ dĩ nhiên là rất bình thường, bước khởi đầu là việc Quy Y Tam Bảo.
Với việc đầu tiên là Quy Y Tam Bảo, tức là đánh dấu xác nhận một cá nhân, trong một tổ chức “ Giác ngộ ” có quy củ, có bài bản, có giáo dục hẳn hoi. Vì từ ngữ gọi là Phật-giáo, tức là đã nói nên vai trò, vị trí, giá trị của đạo Phật.
Quy Y Phật Bảo, ( Ghi nhớ, thực hành cử chỉ việc làm của đức Phật “ Tự giác-giác tha-giác hạnh viên mãn” )
Quy Y Pháp Bảo, ( Ghi nhớ, thực hành lời Phật dạy)
Quy Y Tăng Bảo, ( Ghi nhớ, thực hành lời chư Tăng khuyên dạy)
Ngắn gọn đại ý người Phật tử như sau:
Tòng Phật khẩu sinh
Tòng Pháp hoá sinh
Đắc Phật Pháp phần
Cố danh Phật-tử
Nghĩa
Nhờ Phật dạy sinh ra
Nhờ Pháp-Phật sinh ra
Được hiểu ý Phật-Pháp
Ấy gọi là Phật-tử.
Hoặc đại ý:
Quý thay Phật tử tại gia
Nam xưng bà-tắc, nữ là bà-di
Dốc lòng tin quy y tam-bảo
Chí thành theo chính đạo từ bi
Tham lam, hờn giận, ngu si
Ba thứ độc ấy tránh đi chớ gần.
Ngoài ra còn siêng năng duy trì Năm điều đạo đức, răn lòng của người Phật tử:
1.Không sát nhân, hại vật; 2.Không gian tham trộm cướp; 3. Không tà dâm; 4. Không dối trá ,điêu ngoa; 5. Không rượu chè và các chất kích thích gây nghiện
Đây là Năm điều quy chế ngắn gọn, ít ỏi ai cũng có thể đọc tụng thuộc lòng khi bước chân vào cửa Phật. Nhưng thực chất để giữ gìn và thực hành trọn vẹn được Năm nội dung quy chế này thì thật không phải dễ đối với mỗi người chúng ta. Đúng với tinh thần Hành trì của Phật giáo, không phải lời nói lý thuyết suông:
Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Nói hay và làm giỏi
Kết quả thật vô lường.