Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Thầy Là Ai ?

Chiều thu vừa se lạnh, vừa ấm nắng cái không khí đặc thù riêng có của miền Bắc khiến cõi lòng đầy thổn thức về nhân tình thế thái. Một tốp các bé khoảng chín, mười tuổi trong làng đạp xe quanh qua Chùa rong chơi. Bởi ngôi Chùa quê khuôn viên cũng khá rộng, đường đi lối lại xung quanh nội Tự chùa. Vừa đi bộ, vừa đạp xe dạo chơi cũng khá mát mẻ thoáng đãng. Cắt tỉa, tưới tắm cho một vài cây cảnh xong, tôi ngồi nghỉ chơi, cũng vừa hay lúc các Bé ùa đến, chào hỏi râm ran. Đứa thì chào Bác, đứa thì chào Ông… Ừ Thầy chào mấy đứa con! Chắc trong lòng tụi nhỏ nghĩ tôi già, hoặc lớn hơn tuổi Bố; mẹ chúng, nên các Bé chào thế. Một bé trai cũng khá kháu khỉnh lanh miệng hỏi, Thầy là ai ?       

Câu hỏi vừa ngây thơ vừa khờ khạo của một bé trai khoảng 10 tuổi đời, khiến tôi cũng phải chạnh nghĩ. Câu trả lời của tôi là chắc khoảng 10 năm nữa, con sẽ tự hiểu Thầy là ai? Thầy là gì? Thực tế tuổi đời tôi cũng hơn tuổi Bố; mẹ của các bé. Rồi suy đi, nghĩ lại mới thấy cuộc đời thật nhiều cơ duyên, bao nhiêu chuyện rối rắm trên đời. Không thể một câu trả lời, hay một câu nói mà cho hết nhẽ.

Dù mới 10 tuổi đời, cho đến trăm tuổi đời cũng không chắc đã giải thích nổi, những nỗi thăng trầm của cuộc sống nhân sinh con người. Bởi khi càng trưởng thành con người ta mới càng nhận thấy cuộc sống có muôn vàn những âu lo, bao nhiêu những chuyện vui buồn, dù chủ quan, hay khách quan đem lại. Nhân sinh, vốn Luân hồi vòng quanh, “tre già măng mọc”, lớp này kế lớp kia, miễn sao có lợi ích giúp đời, dù một bóng râm mát, hay một nhành cây xanh. Tất cả cũng đều có những giá trị thiết thực riêng của nó, cây cổ thụ to cao cho ra những sản phẩm gỗ quý, cây cỏ dại ven đường cũng giúp đất đai không khô càn, mòn nở.   

Ngẫm thấy rằng đứa bé 10 tuổi này đâu có biết, khi con chưa sinh ra, Thầy đã từng cầu nguyện lễ bái cho bố, mẹ con đến với nhau được hạnh phúc ấm êm. Rồi mong muốn sinh ra con được vuông tròn, khoẻ mạnh… tất cả những điều này được Bà nội của con thành tâm nguyện cầu. Thầy là người trợ duyên, tiếp phúc cùng gia đình con một lòng lễ Phật để mong cầu cho con có mặt ở đây được bình an. Rồi mai, sau này đây đến lượt con lại cầu nguyện cho con, cháu con cũng được bình an mãi mãi. Thầy lại cũng sẽ là người cùng chứng kiến cuộc sống dần trôi đi, của con như thế. Đến lúc đó con sẽ tự hiểu Thầy là ai, Thầy là gì, và Thầy có vai trò, vị trí gì trong lòng của con. 

Cuộc sống, xã hội tự nó đã phân chia sắp đặt mọi thứ để sinh tồn và phát triển, không ai có quyền thay đổi hoặc sắp đặt được tất cả như ý của riêng mình. Trước vũ trụ bao la rộng lớn, trước thiên nhiên hùng vĩ cang cường con người ta chỉ nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc, một giọt nước giữa biển khơi. Chứng kiến sau những trận thiên tai, bão lũ mới biết mình quá nhỏ bé, mong manh nhường nào, có hay chăng tất cả chỉ là tạm bợ, một kiếp người có đáng chi chăng? Trăm năm kia cũng chỉ là khách qua đường, xin mượn lời người xưa từng than vãn. “Bành Tổ niên cao kim hà tại, Nhan Hồi thọ yểu diệt quy không”. Đại ý tích xưa nói ông Bành Tổ sống lâu tới Tám trăm tuổi nay cũng chẳng còn, mà ông Nhan Hồi tài giỏi thọ yểu mệnh mới có ba mươi năm giờ cũng chẳng thấy đâu cả. Cuộc đời vốn dĩ tự sinh-diệt, thành-hoại là chân lý muôn đời của Phật giáo, vạn vận sẽ phải Thành-trụ-hoại-không. Còn sinh mệnh thì phải chịu sự Sinh-già-bệnh-chết, đó là lẽ thường nhiên, không ai, không gì có thể thay đổi được. Thế nên mỗi người chúng ta có mặt trên cuộc đời này hãy cố gắng sống giống như một bông hoa tươi đẹp dâng tặng đời. Dù bông hoa không màu, không sắc hương nhưng cũng là một bông hoa, hơn hẳn những cành lá cỏ khô úa tầm thường. Xin mượn lời bài hát “Một đời người, một rừng cây”, của nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”.                     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *