Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

THỜ CÚNG

Bàn Luận Về Việc Thờ Cúng

Nói đầy đủ là Thờ Cúng Tổ Tiên, hay Thờ kính-cúng lễ Tổ-tiên,  vì vậy gọi là văn hoá Thờ-cúng hay tín ngưỡng Thờ-cúng. Tất cả  chỉ là từ ngữ tương đối quen thuộc, được sử dụng rộng rãi trong dân gian từ xa xưa. Theo các loại hình văn hoá tín ngưỡng thờ cúng trong dân gian, thì thờ cúng Tổ-tiên được mọi người, mọi giới quan tâm và đặt lên hàng đầu. Có thể coi tập tục thờ cúng Tổ-tiên là một cái “Đạo”, tức Đạo lý làm người, với quan điểm “ Sự tử như sự sinh, Sự vong như sự tồn”. Đại ý là tất cả cái việc chết chóc, mất mát, ra đi “Tử-vong”của người thân thuộc kia, cũng vẫn phải được coi trọng như khi họ vẫn còn sống “Sinh-tồn”vậy. Đó là đạo lý, đạo làm người ở đời đối xử với nhau, được coi trọng là “Nghĩa tử là nghĩa tận”, ý là cái Nghĩa-lý, tình cảm khi mà sự chết-mất, là nghĩa tình sau cùng phải đối xử tốt đẹp nhất. Mặc dù khi sống với nhau có thể không vừa ý, thoả lòng với nhau, nhưng khi ra đi “Chết” cũng nên bỏ quá, tha thứ, vui vẻ, xả bỏ mọi hận thù để người ra đi thanh thản, mà người ở lại cũng vơi lòng, gọi là Nghĩa-tận.  

Thế nên khi nói đến việc thờ cúng Tổ-tiên, cũng có rất nhiều những quan niệm tập tục, vùng miền khác nhau, nhưng ý nghĩa tựu chung lại vẫn phải là kính lễ, tưởng nhớ công ơn sinh thành của Tổ-tiên, tiền bối. Đó là những người thân thuộc, máu mủ, ruột thịt nguồn cội sản sinh ra bản thân mình hiện tại ngày hôm nay, nên tôn xưng là “Tổ-tiên”. Vì lý do, đạo lý này mà chúng ta phải tôn kính, thờ phụng, kính lễ, đó là Đạo-lý làm người sống ở đời. Theo các học giả hay các nhà nghiên cứu thì tạm căn cứ vào Bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê, thì quy định con cháu thờ cúng tổ tiên từ năm đời “Ngũ đại”, tức là ( Tự là bản thân mình là một, hai là Cha-mẹ, ba là Ông-bà, bốn là Cụ, năm là Kỵ ). Tất cả ruộng đất, của cải, nhà cửa thờ tự phải được giữ gìn trọn vẹn phục vụ cho việc cúng lễ hương hoả, tổ tiên không được mua bán hay làm mất mát. Hoặc căn cứ vào sách Thọ-mai-gia-lễ thời nhà Nguyễn sau này cũng ghi chép cụ thể về việc thờ cúng ma-chay, hiếu-hỷ.

Đến ngày nay việc thờ cúng Tổ-tiên, tín ngưỡng cũng lại càng rất đa dạng và phức tạp hơn, chủ yếu là bắt chước học theo người nọ, người kia. Còn thực chất để hiểu đúng đắn, ý nghĩa của việc thờ cúng Tổ-tiên thì không mấy ai rành rọt, nhất là việc bài trí, sắp đặt Bàn-thờ cho phù hợp. Đặc biệt là tín ngưỡng “Bắt chước”, chúng tôi gọi là “nửa tây, nửa ta”, nửa hiện đại, nửa Phong-kiến. Thích mới, nhưng lại muốn cũ, thích ngày xưa “ Cổ”, nhưng lại hợp ngày nay “Kim”. Thế nên lẫn lộn, tạp nham không rõ ràng, không sang trọng, không được đẹp mắt, mà vẫn tốn kém tiền bạc, của cải. Như việc câu đối dùng chữ Hán, nhưng phải kèm chữ Việt, nhà kiểu Tây, nhưng Bàn thờ trang trí kiểu Tàu,… Vì rất nhiều người cũng thắc mắc và tham hỏi chúng tôi, nên tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm trong văn hoá tín ngưỡng thờ cúng này.

Với những dẫn chứng từ thực tế chúng tôi va chạm, gặp gỡ từ trong cuộc sống thường ngày của mọi gia đình, mọi phong tục từng nơi. Đơn cử như mọi nhà đều thi nhau treo câu đối Gia-tiên, Hoành-phi, Đại-tự bằng gỗ đục trạm, khảm-dát vàng, sơn son,… mắc tiền. Nhưng về cơ bản thì đa số lại bị lỗi sai, trái vế đối, hoặc chữ viết kiểu con gà bới, khi biết vậy tôi chỉ biết thương xót cho gia chủ, vì lý do không hiểu biết gì, rõ ràng tốn kém, đắt đỏ mà không ra gì. Không chịu tìm tòi tham khảo, học hỏi những người có hiểu biết, nghe hơi kẻ giỏi võ mồm nói năng lung tung “văn hoá mồm”, thật không biết chút gì. Đơn giản như đôi câu đối phổ thông nhất thì đúng phải là :

A.Vế đối 1 bên Phải nhìn vào:

1.Tổ Công Tông Đức Thiên Niên Thịnh

                        祖功宗德千年盛

Đại ý: +Nhờ công đức cao dày của Tổ-tông (giống nòi) ngàn năm còn thịnh vượng mãi

B. Vế đối 2 bên Trái nhìn vào:

2.Tử Hiếu Tôn Hiền Vạn Đại Vinh (Xương)  

                        子孝孫賢萬代榮(昌)

+Con cháu hiền lành, hiếu thảo muôn đời vinh danh, rạng rỡ

Về vế đối 1 là Tổ-công và vế đối 2 Tử-hiếu,… mới đúng. Nhưng đa phần toàn thấy viết là ( Tổ-tông công đức,…), là sai thế mà không ai sửa, còn thi nhau in ấn kiểu cọ hoa lá, lung tung.

Còn về phần Đại-tự, Hoành-phi cũng là một hình thức chơi chữ ý nghĩa nhấn mạnh cái phần quan trọng, cốt lõi cần nói đến, người xưa chủ ý mục đích cho vào giữa hoặc đặt lên hàng đầu. Tuỳ theo bối cảnh, địa thế cụ thể mà sắp đặt cho phù hợp đúng đắn, vừa trang trí vừa thưởng lãm. Như đặt vào giữa bộ ba chữ, hay đặt đối hai bên vào giữa của bộ ba bức hoành phi trong ba cửa ( ba cung ) như:

Vẫn đọc là Phật-Pháp-Tăng và Từ-Bi, Hỷ-Xả,… đây là một ví dụ minh chứng.

Nhưng đa phần người ta hiểu theo một khía cạnh là phải đặt trước trái đặt sau kiểu chữ Nho như 光流德 ( quang lưu đức- đọc là đức lưu quang). Thực tế không sai, nhưng không phải chủ ý của người xưa nói.

Ảnh tham khảo nguồn internet

Người xưa nói đến cái Đức thì rõ ràng nó phải quan trọng và được ưu tiên, nên đặt là   ( quang đức lưu-vẫn đọc là đức lưu quang). Mục đích là lưu truyền rạng rỡ cái Đức cho con cháu, có cái Đức là một trong nết hạnh tốt đẹp, là phẩm chất cao quý của con người, không kể giàu nghèo, có Đức mới thu phục được lòng người.

Tham khảo tìm trên mạng mãi chẳng có bộ câu Đối-hoành phi nào chuẩn cả, được cái nọ mất cái kia.

Tôi đành tự chế cho chắc vậy, để mọi người tham khảo  

Mẫu bàn thờ Gia-tiên

Tam cấp ( ba cấp ) gồm: Cấp trên vừa bộ Ngai ( khám ), cấp thứ hai vừa Bộ Lư đỉnh-hạc, cấp thứ ba là mặt bàn rộng gồm bát hương và các đồ lễ cúng, thờ tự,… đây là mô hình tham khảm

Thế nhưng không mấy ai thấu hiểu và học theo, bắt chước cái hay của người xưa, chỉ biết làm theo một cách vô ý nghĩa, hết sức sặc sỡ mà không có giá trị gì. Thà rằng Ta thì Ta hẳn, Tây thì Tây luôn, đằng này lai tạp lẫn lộn, chữ Nho-Hán thì thôi chữ Ta-Việt, đòi hỏi không đâu. Viết chữ Việt vào cho mọi người đọc được, nhưng có hiểu gì đúng sai và quan trọng có thực hành được điều nào mà mục đích của người xưa răn dạy đâu. Thế mới nói chỉ là bắt chước không hiểu biết, không căn cứ, còn đòi vẽ rắn thêm chân, hoặc thừa giấy vẽ Voi.

Hơn nữa đã không đọc được thì cũng không thể hiểu hết ý nghĩa của cái chữ-nghĩa, đạo lý đó, mặc dù có viết chữ Việt kèm theo vào đó. Vì thực tế nhiều lý do về mặt văn-tự, chữ-nghĩa, cách thức trang trí mà người xưa đã dùng loại văn tự chữ Hán này để bài trí và gửi gắm ý nghĩa sâu xa ( Thâm-nho ) vào trong lời văn đối-liễn ấy. Vì không thể nói hết được ý nghĩa mục đích, để răn dạy con cháu một cách cụ thể dễ dàng, thì dễ quên, nên phải có chút khó khăn thì mới thấm lâu. Hơn nữa loại chữ Hán này thuộc về dạng văn-tự hình tượng rất cân đối và đẹp đẽ như một hoa-văn trong việc trang trí sử dụng ví như mẫu tham khảo trên. Còn nếu dùng văn tự chữ Việt thì ta nên dùng thuần tuý chữ Việt cho việc trang trí như: Tổ Công Tông Đức Thiên Niên Thịnh- Tử Hiếu Tôn Hiền Vạn Đại Vinh

Hay có thể dùng bộ đối nghĩa dễ đọc dễ hiểu hơn tuỳ theo giá trị, ý nghĩa thực tế từng gia đình, ví như:

Lấy trung hiếu trì gia bền vững

Dùng nhân đức đối xử với người.

Nhưng có một điều là trong chữ Việt các nguyên âm thường không đồng đều về mặt kích cỡ, kiểu dáng, chữ thò lên, chữ thụt xuống như chữ g hoặc chữ ư và đôi khi còn có dấu. Nên việc sắp đặt cân đối là điều không dễ làm, người xưa cũng đã tìm cách sắp đặt cân đối hoá chữ Việt trong dạng thức chữ Thọ tròn, để các chữ to-nhỏ khác nhau đều nằm cùng trong vòng tròn ấy ví như :

Đây cũng là một dạng hình thức trang trí hoá chữ Việt cho đẹp mắt và cân đối trong bộ Đối-liễn thờ cúng. Thế nhưng khi thực tế trang trí sử dụng mới hiểu rõ cái khó và cái phải làm như thế nào cho phù hợp, đẹp mắt thẩm mỹ, mà vẫn rõ ràng ý nghĩa chính yếu trong khi sử dụng. Thêm nữa là các loại hình câu đối chữ Hán thường ngắn gọn súc tích hơn, nhưng nghĩa lý giải thích sâu xa, cao rộng, hàm chứa những đạo lý răn dạy của tác giả hơn. Đôi khi không tiện nói rõ ràng ra, mà sử dụng hình tượng triết tự cao siêu để người đọc, người xem nghiền ngẫm thấm thía, thấm nhuần dần. Có những câu chữ đối-liễn từ ngày xưa cho đến ngày nay vẫn còn chưa có lời giải thoả đáng đúng với tâm ý của tác giả, tất cả đều không sai nhưng chưa hẳn đã đầy đủ với ý nghĩa của người viết ra nó. Nhất là hoàn cảnh lịch sử ngay lúc câu chữ đó xuất hiện thì phù hợp, nhưng nếu đem đặt để vào chỗ khác, thời gian khác thì có thể không phù hợp nữa. Nhưng dẫu sao cũng là một bài học giá trị, ý nghĩa kinh nghiệm của người xưa về tài văn thơ, chữ nghĩa.

Ví như câu đối Hán-Nôm của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749): ” Da trắng vỗ bì bạch”

Các vế đối về sau tạm chấp nhận: Trời xanh màu thiên thanh. Hoặc: Bảy tiếng kêu thất thanh. Đều là cách dùng chữ và dụng ý của các Bậc trí thức, thi ca xưa.

Còn việc bài trí Bàn thờ thì vô kể những thứ mê tín không đâu, nào là kiêng cái nọ, kỵ cái chai, cúng cái này, kiêng cái khác,… tất cả đều thiếu hiểu biết. Câu nói “Phú quý sinh lễ nghĩa” là vậy, mồm nói lòng thành nhưng tâm nghĩ lại khác, sống sao thác vậy, có gì cúng lấy. Thế mà lại kiêng kỵ những thứ không đâu, bằng nào cho đủ, chẳng ai cân đo, đong đếm cụ thể, thế mà cứ đòi phải đủ, phải đúng. Quan trọng là lòng thành kính, thiết tha và tinh sạch, trước dâng cúng kính, sau thừa hưởng, thụ dụng là sử dụng. Thế nên khi sắm sửa ra sao thì sau dùng vậy, Tổ-tiên, Thần-Phật nào có tiêu sài, cốt lõi phải có sự trang trọng thành kính mong cầu Phúc-đức, thì phải hao tốn. Câu nói “Thất kỳ tài đắc kỳ phúc”, ý là phải có sự đánh đổi tiền của mới mong cầu được Phúc-đức về sau. Ví như cho giúp người khác lúc này, biết đâu khi khác có kẻ đến đáp lại, còn bo bo nắm giữ thương tiếc thì chỉ một mình mang chịu. Không chịu chia sẻ cho ai, thì lấy ai chia sẻ cho mình dù phúc, dù hoạ cũng cần có nhau. ( Mẫu Bàn Thờ tạm Tham Khảo )

Tham khảo thêm

Về phía Bàn-thờ Tổ-tiên vấn đề chính yếu là sự kính lễ tưởng nhớ công ơn Tổ-tiên, ông-bà, cha-mẹ là người thân sinh nuôi dưỡng ra mình. Bởi không ai mà không có nguồn gốc Tổ-tiên, cha-mẹ sinh thành ra mình, thậm chí mồ côi cũng vẫn phải có người sinh ra, chẳng qua là nghiệp quả sai khác nên đành chịu cảnh mồ côi, tạm coi như không (không biết rõ ) cha mẹ. Vì duyên nghiệp không rõ cha-mẹ nhưng vẫn còn phải biết công ơn người nuôi dưỡng trưởng thành “ cha sinh không tày mẹ dưỡng”. Hài đến như “ Tôn Ngộ Không” vẫn còn được sinh ra từ cục đá, huống chi là con người. “Cây có gốc mới nở cành xanh lá, nước có nguồn mới bể cả sông sâu, người ta nguồn gốc từ đâu, trước có Tiên-tổ rồi sau mới có mình”. Vậy việc chúng ta thờ cúng, kính lễ Tổ-tiên nhà mình là bổn phận, là nghĩa lý đương nhiên của một con người sống trên cõi đời. Xưa nay từ vua quan, cho đến thường dân, dù là địa vị nào thì vẫn phải biết Hiếu-thuận kính lễ cha-mẹ hai đấng thiêng liêng của bản thân mình. Vì thế bài trí bàn thờ cúng Tổ-tiên sao cho sạch đẹp, trang trọng là được, không quá câu lệ hình thức, màu mè “Phong-thuỷ ” quá mức mê tín, mà đánh mất đi giá trị Hiếu-nghĩa đích thực. Ví như việc kiêng kỵ đồ đồng, hay đồ gỗ, màu nọ, hoặc màu kia,… tất cả đều không đúng đắn, không hợp đạo lý thờ-kính. Bàn thờ Tổ-tiên là nơi kính cẩn gửi gắm niềm thương cảm, hiếu-kính vô bờ bến với các bậc tiền nhân, thân thích của bản thân mỗi chúng ta. Thế nên mỗi người chúng ta các thế hệ trong cùng một gia đình, dòng họ, cần có sự tôn kính hàng nối ( Họ-hàng), thứ bậc rõ ràng để duy trì nguồn cội. Với tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Điều hay, lẽ phải, đạo đức, dũng khí, trí tuệ mà Tổ-tiên nòi giống chúng ta đã để lại. Thế hệ sau chúng ta căn cứ vào đó để noi theo và tự hoà về nguồn cội của mình.  

Như vậy việc thờ cúng, bài trí sao cho phù hợp, thuận lợi chúng tôi sẽ đưa ra một số quan niệm, kinh nghiệm để tham khảo. Mong mọi người sẽ không bị bỡ ngỡ, hoặc hiểu lầm về việc thờ cúng của bản thân mình. Căn cứ, chắt lọc theo các học thuyết của nhân gian truyền bá từ xưa tới nay, như thuyết âm-dương ngũ hành gồm ( Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ ), hay thuyết Tam-tài ( Thiên-địa-nhân). Từ đó mà hình thành các loại hình văn hoá tín ngưỡng, thờ cúng từ thời sơ khai, mang đậm giá trị nhân văn giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên- thần thánh. Không vô cớ mà hình thành, tồn tại cho đến tận ngày nay, tất cả đều xuất phát từ lòng thương mếm, đồng cảm nhân loại trong cuộc sống sinh tồn. Từ việc cảm nhận của sự sinh-ly, tử-biệt, sự sống còn, thác mất, mà con người đã biết tưởng nhớ, suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống nhân sinh của mình. Ngoài việc tìm kiếm, xây dựng  của cải vật chất thực tiễn rõ ràng, thì con người cần có một khái niệm mới về “ của cải” tinh thần chủ đạo hướng nghiệp, định hướng để tiếp tục cuộc sinh tồn. Đó chính là tín ngưỡng kính lễ về phần tâm linh màu nhiệm, huyền bí không hình tướng, không rõ ràng như vật chất, nhưng lại ảnh hưởng và chi phối phần lớn tất cả cuộc sống của chúng ta. Rõ ràng giữa hai thuyết Duy-tâm và Duy-vật vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng, hoặc không thể phân định, đo lường cụ thể được, cả hai đều phải cân bằng tương trợ nhau. Giống như tay trái và tay phải, giữa lý thuyết và thực hành, giữa vật chất và tinh thần (âm-dương) phải luôn luôn tồn tại đồng hành mới có sự cân bằng, phát triển. Như vậy trong cách bài trí thờ cúng Tổ-tiên đã bao gồm đủ cả âm- dương, ngũ hành, tam-tài, thánh-thần, nhân-vật. Đơn cử như bộ thờ Ngũ-sự, các món Lư-đỉnh bằng đồng thuộc về Kim, các món đồ gỗ như bàn (tủ ) thờ, thuộc về Mộc, nước-rượu cúng thuộc về Thuỷ, đèn-hương khói lửa là Hoả, chén-bát-cốc đựng nước bát hương ( tro, cát ) thuộc về Thổ,… Tất cả đều mang một giá trị ý nghĩa thờ kính linh thiêng, ảnh hưởng trong cuộc sống của con người. Thờ ba bát hương, thắp ba nén nhang, đốt một ngọn đèn cũng bao gồm đầy ý nghĩa đó là số lẻ thể hiện cho phần Dương, cúng lễ các Cụ Tổ-tiên, hay hai bái, bốn bái là số chẵn thuộc về phần Âm. Thế nên gồm đủ cả âm-dương, ngũ-hành tựu chung vào trong đó,…     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X