Cảm Thán Về Bài
Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ
Vu-lan là gì ? Lễ Vu-lan là như thế nào ? Lễ Vu-lan có giá trị ý nghĩa văn phạm ra sao ?
Xin thưa rằng Vu-lan là nghi lễ Phật-giáo, ngắn gọn là Lễ Báo Hiếu Công Ơn Cha Mẹ, của người Con-hiền, Cháu-thảo đối với hai Đấng sinh thành. Bởi ai không có Cha, ai không có Mẹ sinh ra thân mình:
Cây: có gốc nở cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu
Trước có Cha, Mẹ rồi sau có mình”
Vậy nên nói:
“ Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng
Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan
Bâng khuâng chạnh nhớ ơn sanh dưỡng
Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn”
Vu-lan là một lễ hội Phật giáo vào dịp mùa Thu tháng Bảy, mùa chư Tăng An-cư Kiết-hạ đã hoàn mãn khóa tu bồi Tam-học. Công đức vun bồi đầy đủ thiện duyên, để giới tín đồ Phật tử gieo trồng cội phúc, đã được duy trì và thực hành từ Ngàn xưa.
Chúng tôi căn cứ bộ “Thủy Lục Chư Khoa”, trong đó có Khoa Mục Liên, Địa Tạng, Huyết Hồ,… Đại ý cơ bản đều nói đến việc Báo hiếu cha-mẹ, cứu độ cõi âm của ngài Mục Kiền Liên. Từ y cứ trong Khoa cúng thỉnh của Chư vị Tổ sư truyền lại cụ thể như:
“Mục Liên Tôn-giả vận thần thông
Trịch bát đằng không thuấn tức trung
Kim tích chấn xao khai địa ngục
Thần châu chiếu xứ triệt hư không
Dục tế linh hồn sinh thiên giới
Lũ khải thành tâm vấn Phật công
Sùng kiến trai đàn nhiên tuệ cự
Lưu truyền vạn đại vĩnh vô cùng”.
Nghĩa:
Tôn-giả Mục Liên dụng thần thông
Chuyển bát tức thì tận không trung
Tích trượng gõ tan nơi địa ngục
Minh châu chiếu sáng khắp hư không
Muốn cứu vong linh sinh Cõi-tịnh
Lòng thành kính cẩn hỏi Phật ân
Tín kính trai đàn, đèn tuệ sáng
Lưu truyền muôn thuở mãi về sau.
Trong đó còn ghi “ Tiểu xưng La Bốc, Trưởng hiệu Mục Liên”, nghĩa là lúc nhỏ là tên La Bốc, lớn lên là ngài Mục Liên. Thêm đó nữa ghi là “Phật Thuyết Chính Giáo Huyết Bồn Kinh”, cũng nói ngài Mục-liên thấy có một Địa-ngục Hồ-máu tròn như cái chậu “ Nhất Huyết Bồn Trì Địa-ngục”. Trong đó có 120 khí cụ hành hình như: Giường sắt, Cột sắt, Gông cùm sắt,… “ Huyết Bồn Thắng Hội” còn gọi là “Vu-lan Thắng Hội”. Nếu ai làm được việc công đức Báo-hiếu như thế “ Như trong Kinh” thì ba đời Cha-mẹ được sinh cõi lành. Ăn uống no đủ, sống lâu mạnh khỏe, giàu có tự nhiên. Vì đại ý trong đây ghi: “ Thụ trì độc tụng tam thế phụ mẫu tận đắc sinh thiên. Thụ chư khoái lạc, y thực tự nhiên, trường mệnh phú quý”.
“Thử ngục tòng lai bản thị vô
Mẫu nhân sinh tử huyết thành hồ
Hiếu tử thành tâm kim đại ẩm
Mẫu thân trực thoát xuất tam đồ”.
Nghĩa:
Ngục này bản tính vốn là không
Mẹ vì sinh nở máu thành Hồ
Con Hiếu thành tâm nguyện uống cạn
Mẹ hiền Giải-thoát cõi U-minh.
Như vậy cho thấy từ bài “Huyết Bồn Kinh”, có “Huyết Bồn Trì Địa-ngục”, hay còn gọi “ Huyết Hồ Địa Ngục”, đại ý là Địa-ngục Hồ-máu. Ý nói đến ân thâm của Cha-mẹ sinh thành dưỡng dục ra thân mỗi người chúng ta. Từ đó cho thấy Bản Kinh Diễn Nghĩa của Hòa Thượng Huệ Đăng về chữ Hiếu trong đạo Phật thật là sâu sắc, giá trị biết bao. Tức chính bài Kinh Vu Lan Bồn và Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ.
Trong Bài kinh đề cập đến “Mười-ân” Mẹ mang thai con nặng nề, và “Mười-ân” Cha-mẹ sinh thành, dưỡng dục khi sinh con ra. Đây đều là ân thâm, nghĩa trọng sánh như núi Thái-sơn mà Cha-mẹ rất khổ cực, vất vả sinh dưỡng ra thân mỗi người chúng ta. Mặc dù muôn kiếp dùng thân ta cõng bế Cha-mẹ, hay có cưa xẻ, chặt chém, đốt đèn cúng Phật,… thì cũng không thể báo đền, đáp được công ơn của hai Đấng sinh thành ấy.Và điều đặc biệt của Phật-giáo là phương pháp báo hiếu Song-thân của chính mình. Đại ý không đơn thuần là việc chu cấp ăn uống, chăm sóc cho Cha-mẹ, mà bản thân mình cần phải thành tâm, thiết tha Hiếu-kính, thuận thảo để phụng dưỡng Cha-mẹ. Tự thân phải biết Quy kính Tam-bảo, giữ gìn giới hạnh, đọc tụng hành trì theo như lời trong Kinh chỉ dạy và truyền bá cho Con-cháu nối đời Hiếu-thảo. Rộng ra truyền bá cho khắp mọi người thân “ Nhân quần”, họ hàng, xung quanh biết đến Hiếu đễ bổn phận làm con đối với Cha-mẹ sinh thành dưỡng dục ra chính mình.
Mùa Vu-lan đến, xin Cảm-thán vài lời qua bài Kinh Vu-lan Báo-hiếu, mà chính tôi thường tụng đọc. Mong muốn vài lời thô thiển, giúp những người có duyên lành với chúng tôi hiểu rõ hơn về giá trị Chân-thật Hiếu của người làm con đối với Cha-mẹ của chính mình ! Hiếu hữu tam: “ Đại Hiếu tôn Thân, thứ kỳ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng”.
Chữ Hiếu có Ba phần: Hiếu thuận lớn nhất là phải quý kính Cha-mẹ lên trên hết, thứ nữa là làm cho Cha-mẹ được rạng rỡ vẻ vang, sau cùng mới là phụng dưỡng, chăm sóc ăn ngủ cho Cha-mẹ vậy.