1.Đức Phật Và Cuộc Sống Con Người
Theo lịch sử Phật giáo truyền thống Bắc-tông, thì đức Phật Thích-ca-mâu-ni thị hiện nơi cõi Ta-bà là một con người như bao nhiêu người khác. Đó là một vị Thái-tử con nhà vua, có đầy đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ của một bậc Quân-vương tương lai. Khi còn là một vị Thái-tử có gia đình, họ hàng cha mẹ, anh em, vợ con hạnh phúc viên mãn, đầm ấm công danh, sự nghiệp cao tột trong xã hội, một vị trí nhiều người mong ước. Theo các bản kinh Phật-giáo thì đó là kiếp sau cùng mà đức Phật Thích-ca-mâu-ni thị hiện nơi cõi Ta-bà để hóa độ cứu vớt chúng sinh đạt đến quả vị Niết-bàn giải thoát an vui. Kinh Pháp-hoa phẩm Phương-tiện thứ hai ghi: “ Ta dùng vô số phương tiện các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ diễn nói các Pháp. Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu chỉ có các đức Phật mới biết được đó. Vì sao ? các đức Phật Thế-tôn, chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.”.
Ngoài ra còn nhiều các bộ-kinh khác đức Phật cũng khẳng định đó là vì nhân duyên, hạnh nguyện kham nhẫn lớn lao mà đức Phật mới thị hiện nơi cõi Ta-bà để giáo hóa chúng sinh. Vì nơi cõi Ta-bà đầy dãy ô trược, khó khăn gian khổ mà Ngài vẫn thị hiện để độ sinh, kinh Di-đà các đức Phật tán thán khen ngợi đức Phật Thích-ca ghi: “ Đức Thích-ca-mâu-ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta-bà đời ác năm món trược: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược trung, mà Ngài chứng được Vô-thượng Chánh-đẳng-chánh-giác ”. Như vậy cho thấy đức Phật-đạo Phật rất thực tế và gần gũi với cuộc sống nhân sinh con người, không rời xa con người, không đi tìm những gì ngoài nhu cầu thực tế cuộc sống của chính con người. Cũng giống như bông hoa sen xinh tươi tốt đẹp, thơm ngát kia phải được mọc lên từ bùn lầy hôi tanh dơ bẩn, mới khoe sắc thắm cho đời vậy. Tất các các Pháp mà đức Phật thị hiện hoặc thuyết ra cũng là vì Phương-tiện thiện xảo để đối trị những nghiệp chướng, phiền não của chúng sinh trong cõi đời. Thế nên trong hầu hết các bộ kinh cũng nói rốt ráo cuối cùng của Phật-pháp chính là “ Chánh pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp ”, tất cả chỉ là Ngón-tay phương tiện cho người hướng tới được mặt trăng cao xa kia. Hay chỉ như là chiếc thuyền chở người qua sông, sang được bờ bên kia thì tự cất bước mà đi trên bờ, không nên mê lầm tham đắm vào bất cứ loại phương tiện tốt xấu nào khác, để rồi lại quanh quẩn tìm đường giải thoát ở nơi xa vời.
Phật nói tất cả Pháp
Để độ tất cả tâm
Ta không tất cả tâm
Đâu cần tất cả pháp
Phật-pháp tại nơi cõi đời nên mọi phương-tiện thiện xảo thị hiện nơi cõi đời chỉ là các Pháp tương đối, có sinh-có diệt, có thành-có hoại, có thịnh ắt sẽ có suy đó là lẽ đương nhiên. Nhưng tất cả ý nghĩa, mục đích giá trị nhân bản lợi ích của đạo-Phật đối với con người luôn được Phật-giáo xem trọng và đặt lên hàng đầu, tất cả vì mục đích “Độ tử- cứu sinh ”, cùng nhau thẳng hướng an vui giải thoát “Đồng trọn thành Phật đạo”. Với chủ trương tự giác-ngộ mình và giác-ngộ mọi người, luôn luôn tinh tấn thực hành những hạnh lành lợi người (lợi tha), dù ở bất cứ vai trò cấp độ nào, có khi còn thị hiện đủ các thân tướng, thành phần trong xã hội để cứu độ chúng sinh. Tất cả các bộ-kinh đều chỉ dạy rõ ràng hạnh-nguyện, sở-hướng cũng như tông chỉ đều vì mục đích độ-tha, kinh Pháp-hoa phẩm Phổ-môn thứ hai mươi năm nói Bồ-tát Quan-âm thị hiện tới ba mươi hai ứng hóa thân-tướng để thuyết pháp hóa độ lợi ích chúng sinh. Kinh Dược-sư thì có mười hai đại nguyện, kinh Địa-tạng thì “ Độ hết chúng sinh mới chứng quả Bồ-đề ”,…Lục-tổ Huệ Năng dạy:
Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mích bồ-đề
Kháp như cầu thố giác.
Đại ý Lục-tổ dạy rằng Phật-pháp ở tại cõi thế gian, thì không thể xa lìa thế gian mà tìm sự giác-ngộ, giải-thoát được, nếu đã xa lìa thế gian tức là xa lìa hẳn con đường giác-ngộ, khác chi kẻ đi tìm sừng-thỏ với lông con rùa vậy. Thực tế với người tu đạo bước khởi điểm ban đầu cũng cần có thể phải xa lánh trần gian, để công phu thực tập các Pháp-lành dứt trừ những tập khí xấu ác, những nghiệp chướng sâu dày chất chứa từ muôn kiếp. Vì thực tế thời gian sẽ là thước đo, kinh nghiệm thực hành của bản thân mỗi người trong cuộc sống đầy dãy những khoái lạc cám dỗ khó có thể dứt trừ. Thế nên cũng phải có chút hạ thủ công phu, quyết chí của bản thân, tức là có từng trải qua chút khổ-hạnh mới có thể thành tựu được tất các Pháp (vạn-pháp). Chính đức Phật-thích-ca theo lịch sử Phật-giáo Bắc-tông thì Ngài cũng đã trải qua sáu năm khổ hạnh rừng già, tìm học với nhiều các bậc tu sĩ danh tiếng khác nhau của các môn phái đương thời, siêng năng thực tập công phu. Trải qua bảy-thất (49 ngày đêm ) chuyên tinh thiền tập, mới đắc thành đạo-quả, và với nhiều bộ kinh khác nhau về tiền kiếp của Ngài cũng trải qua bao khổ hạnh, thậm chí không tiếc thân mạng để cầu đạo Vô-thượng. Xong rồi sau đó mới phát tâm Bồ-đề quay lại trần gian với tinh thần từ bi cứu khổ, độ sinh theo hạnh nguyện lợi-tha của bậc đại Bồ-tát để làm Phật-sự.
Kinh Bổn sinh, Đức Phật từng thuật lại trong vô số kiếp về trước, Ngài đã từng phát tâm cầu pháp quên cả thân mình. Trong một kiếp, Ngài đã tình nguyện hầu hạ một vị tiên nhân trong nhiều năm để cầu vị tiên nhân ấy chỉ dạy đạo lý.
Ngài gặp một người cho biết ông đã học được một bài kệ, bài kệ ấy có thể giúp người tu trở thành thánh hiền. Hết sức vui mừng, Ngài vội quỳ xuống khẩn cầu người kia dạy cho bài kệ. Người kia bảo: “Phật pháp thậm thâm khó cầu, ngươi muốn nghe suông sao được”. Ngài hỏi: “Vậy phải làm sao mới có thể cầu được, xin người chỉ dạy cho?”. Người kia nói: “Đâm vào mỗi lỗ chân lông một cây kim, khi nào máu chảy ra như suối mà lòng không hối hận, ngươi có làm được không?”. Ngài rất vui mừng đáp: “Dù phải tan nát thân này, tôi cũng quyết tâm cầu diệu pháp”. Nói rồi Ngài ra chợ mua kim về đâm vào mỗi lỗ chân lông một cây làm cho máu ra lênh láng.
Người kia thấy thế, hết lời khen ngợi Ngài là người có chí cầu đạo ít ai bằng, bèn dạy cho Ngài bài kệ: “Phải giữ lời và ý, thân không phạm điều ác. Giữ được ba hạnh ấy, là thành bậc thánh-hiền”. Học được bài kệ ấy, Ngài hết sức vui mừng, ngày đêm tinh tấn y theo bài kệ mà hành trì không chút lười biếng giải đãi, trải qua nhiều kiếp cho đến ngày thành bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Cũng chính trong lịch sử cuộc đời của đức Phật Thích-ca, sau bao nỗ lực khổ hạnh, xa lánh trần gian tìm nơi thâm u cùng cốc để thực hành tu tập, nhịn cả việc ăn uống, nhưng đạo quả vẫn chưa thành. Cuối cùng Ngài mới quyết định trở lại ăn uống bình thường,cho thân thể khỏe mạnh để tiếp tục tu tập, nhắm đến quả vị Vô-thượng giải thoát an lành. Sau khi thành tựu đạo-quả, Ngài đem những phương-pháp, giáo lý căn bản đầu tiên ấy mà chia sẻ truyền bá lại cho những người bạn đồng-tu cùng được thành tựu như Ngài. Với giáo lý trung-đạo căn bản xa rời mọi kiến chấp hai bên, chấp một phía, hoặc chấp ở chặng giữa đều không thể giải thoát. Cũng như Ngài khi mới thực tập, cũng từng mắc kẹt vào các pháp khổ hạnh quá mức,cũng không tìm thấy Đạo, hay như các pháp lạc-thụ (hưởng lạc) của các phái khác đều không phải đạo của Ngài mong muốn. Đạo giải-thoát của đức Phật là xa rời cả hai pháp là chấp-thường hay chấp-đoạn, cũng như chấp vào sự khổ-hạnh bi quan, chán nản tiêu cực (bất cập) và chấp vào sự thái-quá, buông lung hưởng lạc. Con đường đức Phật chỉ dạy là các pháp đối trị tương đối về mọi mặt trong đời sống con người, xã hội nên được xem là Bất-định-pháp, là phương-tiện pháp môn để thực hành trong đời sống vậy. Đạo Khổng Tử cũng dạy con người ta: “ Dục tu tiên-đạo, tiên tu nhân-đạo, nhân-đạo bất tu tiên-đạo viễn hỹ ”, nghĩa là muốn tu đạt đến tiên-đạo (cảnh giới chư tiên), trước tiên phải trọn vẹn được nhân-đạo (đạo làm người), đạo-người chưa trọn vẹn thì tiên-đạo còn xa vời lắm.
Thế nên đức-Phật và cuộc sống nhân sinh con người luôn gần gũi thực tế, trong mọi sinh hoạt giao tiếp đạo lý bổn phận, nghĩa vụ của từng giới trong xã hội. Với bậc Sa-môn có các pháp tu tập riêng, với hàng cư sĩ có các pháp thực tập riêng, hạng căn cơ khác nhau có các Pháp tu tập áp dụng cũng khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều vì mục đích lợi ích giống nhau, kinh Pháp Hoa phẩm Dược Thảo Dụ diễn tả “Các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ đặng sinh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sinh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác. ”.Như vậy có thể thấy giá trị, ý nghĩa mục đích chung của giáo lý đức Phật đều vì muốn làm lợi lạc tất cả các loài hữu tình, thậm chí cả loài vô tình đều được phổ độ như nhau. Cũng trong phẩm Dược Thảo Dụ Ngài dạy “Người chưa được độ thời làm cho được độ, người chưa tỏ ngộ thời làm cho tỏ ngộ, người chưa an thời làm cho được an, người chưa chứng Niết-bàn thời là cho chứng Niết-bàn, đời nay và đời sau Phật đều biết đúng như thật.”
Quang Nam 2020
2.Lời Phật Dạy Về Đạo Làm Người
(Nguồn: www.loiphatday.org)
Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.
Bấy giờ, đã đến lúc đức Thế Tôn khoác y – bát lên đường vào thành khất thực, trên đường đi, đức Thế Tôn thấy một chàng thanh niên đang lễ bái, là người con có hiếu nên nghe theo lời dạy của cha trước khi mất, cứ mỗi sáng, sau khi tắm gội xong anh ta ra đường thực hành việc lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới. Cuộc gặp gỡ là duyên khởi cho bản kinh Thiện Sanh ra đời.
Đây là một bản kinh nguyên thủy, ngắn gọn, ghi lại lời Phật dạy cách đối nhân xử thế, cách thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người Phật tử đối với bản thân, gia đình và xã hội, rộng hơn là Phật dạy cách kiến tạo một xã hội hài hòa, một cuộc sống đầy an lành và hạnh phúc.
Trong tạng A-hàm, theo bản dịch Việt từ Hán mới nhất của Thượng tọa Tuệ Sỹ thì Kinh Thiện Sanh thuộc No.16, Phần II, Trường A-hàm. Trong tạng Nikaya, theo bản dịch Việt từ Pali của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tương đương kinh Thiện Sanh là Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt (Sigàlovàda sutta) thuộc No.31, Trường Bộ Kinh. Bài viết chủ yếu trích từ ấn bản điện tử từ trang nhà Phatviet.com của TT.Tuệ Sỹ, tất cả các đoạn trích đều được đóng mở “.”, phần lễ bái sáu phương, hầu hết lấy nguyên văn trong kinh.
Tránh bốn việc ác và sáu việc làm hao tổn tài sản
Khi Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, dẫn đầu đoàn khất thực với đại chúng hai ngàn năm trăm vị Tỳ-Kheo đi vào thành, đức Thế Tôn thấy một gia chủ tử tên Thiện Sanh đang lễ sáu phương, Ngài hỏi:
“Vì sao, ngươi vào buổi sáng sớm ra khỏi thành, đi đến khu công viên, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”
Thiện Sinh bạch Phật:
“Khi cha con sắp chết có dặn: “Nếu con muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông,Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con vâng lời cha dạy không dám chống trái.”
Phật bảo Thiện Sanh:
“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu.”
Thiện Sinh thưa:
“Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp Hiền Thánh.”
Phật bảo Thiện Sinh:
“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương”
Bốn nghiệp kết mà Phật dạy: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, đây là bốn điều xấu ác mà bất cứ ai cũng nên tránh, hàng ngày đọc báo chúng ta vẫn thường thấy nhan nhãn các tội phạm phạm bốn điều trên: giết người, cướp của… gây cho xã hội những bất an thường nhật. Rõ thấy, những điều mà Phật dạy chẳng có gì khác ngoài những chuyện thực thường ngày ở thế gian.
Bốn trường hợp ác: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Về tham dục, không phải cứ tham dục là điều xấu, mà tham dục cần phân biệt có hai loại, loại tham dục phục vụ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) khiến cho tâm trí mê mờ, dẫn đến những vọng tưởng điên đảo, sân hận, sợ hãi và ngu si… loại tham dục này thì cần phải loại bỏ, loại tham dục thứ hai phục vụ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp… cho sự học hành, phát triển nhân cách, tinh thông trí tuệ, nâng cao dân trí, sự phồn thịnh xã hội, sự bình an, sự hạnh phúc..thì cần thực hành và phát huy.
Sáu nghiệp hao tổn tài sản cần tránh:
1. Đam mê rượu chè.
2. Cờ bạc.
3. Phóng đãng.
4. Đam mê kỹ nhạc.
5. Kết bạn người ác.
6. Biếng lười.
Phật bảo Thiện Sinh:
“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp, cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện”.
Như vậy, Phật dạy người nào tránh được bốn nghiệp kết, bốn việc ác, sáu nghiệp hao tổn tài sản thì không những đời này đẹp và cả đời sau cũng được hưởng những quả tốt đẹp, đời này có duyên lành và đời sau cũng có duyên lành, trong hiện tại được người ngợi khen, xã hội ngợi khen, gia đình ngợi khen và trên hết phương ấy được an ổn, xã hội ấy được tốt đẹp, không lo sợ…
“Người nào không làm ác,
Do tham, hận, sợ, si,
Thì danh dự càng thêm,
Như trăng hướng về rằm”.
Bốn hạng kẻ thù và bốn hạng người đáng thân
Trong Trung Hoa Kim Cổ Kỳ Nhân có thuật lại tình bạn giữa Bá Nha – Tử Kỳ, một tình bạn đẹp lưu danh muôn thuở. Bá Nha là một vị quan làm đến chức Thượng đại phu, còn Tử kỳ chỉ là một chàng nông dân kém Bá Nha chục tuổi. Nhưng chỉ mỗi Bá Nha hiểu được tiếng đàn của Tử Kỳ, từ đó hai người trở thành tri kỷ, khi nghe tin Tử Kỳ chẳng may qua đời, Bá Nha đã cầm đờn đập mạnh vào tảng đá,cây đờn vỡ tan, sau đó đọc bốn câu thơ:
“Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai?
Gió xuân bốn mặt, bao bè bạn.
Muốn tìm tri âm, thật khó thay!”
Trong cuộc sống ai cũng cần có bạn, tình bạn kiểu Bá Nha – Tử Kỳ thuộc dạng xưa nay hiếm, nhưng cũng cần phải lựa bạn tốt mà chơi, vì nếu “giao du với bạn xấu có sáu lỗi: 1, tìm cách lừa dối; 2, ưa chỗ thầm kín; 3, dụ dỗ vợ người; 4, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người; 5, xoay tài lợi về mình; 6, ưa phanh phui lỗi người”. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu chúng ta làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.
Phật bảo Thiện Sanh.
“Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân, ngươi nên biết. Bốn kẻ ấy là những ai? 1, hạng uý phục; 2, hạng mỹ ngôn; 3, hạng kính thuận; 4, hạng ác hữu.
[(1) “Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.
(2) “Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tìm cách đùn đẩy.
(3) “Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt”.
(4) “Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”
“Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? Một, ngăn làm việc quấy; hai, thương yêu; ba, giúp đỡ; bốn, đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận”.
1) Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.
(2) Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.
(3) Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.
(4) Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”]
Lễ bái sáu phương hay cách thức xây dựng một xã hội hạnh phúc
Sáu phương là gì, tại sao phải lễ bái sáu phương như chàng Thiện Sanh đã làm, anh ta làm vì nghe lời cha mà không hiểu ý nghĩa của việc lễ bái đó. Phật dạy: “Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ”. Bài dạy lễ sáu phương là cách mà Phật dạy đạo làm người.
Đạo hiếu làm con, phận làm cha mẹ.
Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều:
1. Cung phụng không để thiếu thốn.
2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.
3. Không trái điều cha mẹ làm.
4. Không trái điều cha mẹ dạy.
5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:
1. Ngăn con đừng để làm ác.
2. Chỉ bày những điều ngay lành.
3. Thương yêu đến tận xương tủy.
4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.
5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng..
Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ, cha mẹ thương con, bảo bọc cho con thế thì gia đình ấy được hạnh phúc, xã hội bình an, phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.
Đạo nghĩa thầy trò
Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm điều:
1. Hầu hạ cung cấp điều cần.
2. Kính lễ cúng dường.
3. Tôn trọng quí mến.
4.Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.
5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.
Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:
1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện.
2. Dạy những điều chưa biết.
3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.
4. Chỉ cho những bạn lành.
5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Nếu đệ tử kính thuận, cung kính nghe lời sư trưởng, thầy thì thương trò, chỉ bảo dạy dỗ tận tình cho học trò thì nền giáo dục xã hội ấy phát triển, phương ấy vững bền, an ổn không có điều lo sợ.
Đạo nghĩa vợ chồng
Chồng phải có năm điều đối với vợ
1. Lấy lễ đối đãi nhau.
2. Oai nghiêm không nghiệt.
3. Tùy thời cung cấp y, thực.
4. Tùy thời cho trang sức.
5. Phó thác việc nhà.
Vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng
1. Dậy trước.
2. Ngồi sau.
3. Nói lời hòa nhã.
4. Kính nhường tùy thuận.
5. Đón trước ý chồng.
“Chồng đối với vợ thương yêu, tôn trọng, vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.
Quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm
Người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con
1. Chu cấp.
2. Nói lời hiền hòa.
3. Giúp ích.
4. Đồng lợi.
5. Không khi dối.
Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại
1. Che chở cho mình khỏi buông lung.
2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung.
3. Che chở khỏi sự sợ hải.
4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.
5. Thường ngợi khen nhau.
“Tình người, tình làng nghĩa xóm, biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ”.
Quan hệ chủ tớ, trên dưới
Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo
1. Tùy khả năng mà sai sử.
2. Tùy thời cho ăn uống.
3. Phải thời thưởng công lao.
4. Thuốc thang khi bệnh.
5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.
Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ:
1. Dậy sớm.
2. Làm việc chu đáo.
3. Không gian cắp.
4. Làm việc có lớp lang.
5. Bảo tồn danh giá chủ.
“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ”.
Quan hệ giữa đàn việt với Sa-môn
Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn với năm điều.
1. Thân hành từ.
2. Khẩu hành từ.
3. Ý hành từ.
4. Tùy thời cúng thí.
5. Không đóng cửa khước từ.
Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều:
1. Ngăn ngừa chớ để làm ác.
2. Chỉ dạy điều lành.
3. Khuyên dạy với thiện tâm.
4. Cho nghe những điều chưa nghe.
5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.
6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.
“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.
Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:
“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”
Đọc toàn bộ nội dung kinh, một bản kinh ngắn, súc tích, ngôn ngữ Phật dùng rất rõ ràng mà bất cứ ai đọc cũng có thể nắm bắt, lời dạy như luồng sáng mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy, rất thiết thực, căn bản, rất cần cho chúng ta trong ứng xử với các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống.
Các pháp đều nương với nhau mà tồn tại, cũng vậy, mỗi người trong cuộc sống cũng đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm về một điều gì đó với một ai đó, mỗi một ai đó sẽ là phần còn lại về nghĩa vụ và trách nhiệm của người nào đó, suy ra sẽ nhìn thấy một ma trận ngang dọc, ma trận vuông tròn các quan hệ. Quan hệ cha mẹ, con cái, ai cũng ít nhất một lần làm học trò, ai cũng ít nhất có một người bạn, ai cũng phải làm một việc gì đó để sống,…vì vậy cần phải ứng xử sao cho hợp đạo hợp nghĩa, đúng mực để tự bảo vệ bản thân tức là bảo vệ cho gia đình, cho xã hội.
Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.
Nguồn: www.loiphatday.org