Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đại Ý Của Việc Dịch Giải Kinh Điển

Trước khoảng những năm 2000, chúng tôi ở chùa đọc tụng Kinh điển theo bộ “Chư Kinh Nhật Tụng ”, phần lớn là các bản Kinh phiên âm Hán Việt. Thậm chí những khóa lễ tụng kinh cầu nguyện đều toàn bằng chữ Hán như bộ kinh Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Địa Tạng, kinh Thủy Sám, kinh Ngũ Bách Danh,… Các nghi lễ cúng tụng cũng nguyên bản chữ Hán, chúng tôi chỉ biết học theo. Sau năm 2000 trở đi sự phát triển, thông thương kinh tế xã hội thăng tiến, thì những bộ Kinh trên mới được dịch nghĩa, in ấn phổ cập khắp các nơi Chùa, Viện. Sau dần dần nhiều các bậc dịch giả quá, nên không rõ bộ Kinh dịch nghĩa nào được chọn là phổ thông nhất. Nhưng theo chúng tôi nhận thấy rằng, bộ Kinh dịch nghĩa nào mà khi tán tụng, đọc lên mà thấy vần điệu, âm tiết và vẫn giữ được đúng ý nghĩa là được. Hơn nữa Phật giáo cốt yếu ở việc hành trì, thực hành công phu nơi bản thân mỗi hành giả, chứ không phải riêng việc diễn giải ý nghĩa văn tự nơi ngôn ngữ, lý thuyết suông.  

Bởi phần lớn các bộ Kinh điển Bắc tông đều bằng chữ Hán, mà đặc biệt là chữ Hán cổ, không thuộc hệ chữ Hán phổ thông giản thể như ngày nay. Do đó việc dịch giải để học hỏi, sẽ phải khác hơn so với việc dịch giải để tụng đọc, ca ngâm, vần điệu, nhưng tựu chung lại là vẫn giữ nguyên ý nghĩa chính yếu của bản Kinh mà đức Phật đã thuyết. Đơn cử như mở đầu các bản Kinh thường là: “ Như thị ngã văn,…”, thì có dịch phẩm ghi là “Như vầy tôi nghe,…”, có chỗ lại ghi là “ Tôi nghe như vầy,…”. Như vậy rõ ràng là các bản dịch đều không ai sai, nhưng khi tán tụng lên thì câu “ Tôi nghe như vầy,…” nghe có vẻ hợp lý xuôi tai hơn. Bởi “Như vầy tôi nghe” hay “Tôi nghe như vầy” đều ý chỉ ngài Anan được nghe đức Phật thuyết mà Ngài nói lại lời Phật dạy. Đây là đoạn mở đầu ở hầu hết các bộ Kinh và các bộ kinh đều chỉ rõ “ Lục chủng thành tựu” hay “Lục chủng chứng tín” gồm: Tín, văn, thời, chủ, xứ, chúng. 

Vậy vấn đề phiên dịch và giảng giải đòi hỏi phải có thời gian, kinh nghiệm trải qua của bản thân tác giả cũng như các văn bản chuẩn xác. Đơn cử như có được một Văn-bản như bộ Kinh, Luận rõ ràng bao gồm cả chú thích, niên đại, tác giả viết hoặc khắc ván. Chúng tôi được biết đa phần các bộ Kinh, Luận ngày trước được lưu hành phần lớn là các bản Kinh-xếp được khắc ván tỉ mỉ kỹ lưỡng, in ra giấy xong dán lại và gấp gọn gàng thành sách. Chữ in ván rất rõ ràng to tát, chính xác, có cả niên đại khắc ván, người chủ đứng khắc, người thợ khắc, người công đức tiền để khắc, nơi lưu trữ ( tàng bản). Vì là bàn in bằng gỗ “Mộc bản ” , mỗi một mặt trang in là một tấm gỗ nên bộ Kinh nào cũng rất cồng kềnh đồ sộ. Như bộ kinh Pháp Hoa, kinh Dược Sư, kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, bộ Luật Sa Di, Luật Tỳ Kheo, bộ Yết Ma Chỉ Nam,  …

Để có được một bản dịch, giải chuẩn chỉ rõ ràng thì đòi hỏi người dịch (tác giả) phải có được một bản gốc chính xác, và các bản tham chiếu, tham khảo liên hệ, để bản dịch được chu toàn hơn. Nói chung là các văn bản cổ chữ Hán, nếu có điều kiện tham chiếu các bản tiếng Anh, hoặc tiếng Pali nếu có.

Phiên dịch các bản Kinh cần nhất là có các bản chú thích kèm theo, để biết rõ nguồn gốc xuất xứ, niên đại, số lượng Trang hay tờ, hoặc mục lục của bộ Kinh, tác giả dịch trước, nơi tàng bản lưu trữ…

Hiện chúng tôi đang có các bản Photo  như:

Bộ Thụ Giới Nghi Quỹ Biệt Tập, một số tờ đầu bị thiếu, hoặc mờ nát hoặc không có, chỉ có ghi lời dạy của Tổ sư Từ Vân tức Đại sư Tuân Thức đời Tống “ Từ Vân Tổ sư ngôn”.Cuối bộ này có ghi là tàng bản lưu tại “ Hà Nội tỉnh, Hoài Đức phủ, Thọ Xương huyện, Cảm Ứng giáp, Giác Hoa Tự ”. Cộng chung có 79 Trang “ Thất thập cửu chỉ ”, có thêm phần “Thụ tam quy sám hối sớ ”, “ Xuất gia quy y thế phát sám hối sớ”. “Nữ nhân thụ Sa di ni giới sớ ”, “ Sa di ni thụ Tỳ kheo ni giới sớ ”. Tên người và nơi các chủ cúng tiền in khắc như: Hà Nội tỉnh, Bắc ninh tỉnh, Đại Thanh quốc Quảng Đông tỉnh,…Số tiền như một Nguyên, một Quan, 652 quan,…

Bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa Kinh ghi: “ Tần, Tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập, dịch ”, “Đường, Chung Nam Sơn, Sa môn Đạo Tuyên, hoằng truyền”. Phía trong ghi “ Diêu Tần, Tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập, dịch”. Toàn bộ kinh này là bảy quyển, chia làm hai tập Thượng và Hạ “ Kinh phẩm, toàn bộ thất quyển, nhiếp vi nhị tập”.

Bộ Tạp Tiếu do thầy trò sa môn Huệ Tập Thích Huỳnh Huỳnh và Tinh Tiến Thích Sâm Sâm tổ chức tuyển tập san khắc vào niên hiệu Tự Đức Thứ 12 (1858). Mộc bản lưu tại chùa Diên Phúc, xã An Viễn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Ninh. Trọn bộ 7 tập với 444 trang.

Bộ “Tam Giáo Chính Độ ”, chủ trì tiểu sĩ Chính Đại Đính Tập.

Căn cứ vào bộ “Tạp Tiếu”, chúng tôi rút ra tập Tân – gia gồm 4 khoa: Thỉnh Thánh kỳ an khánh trạch, An địa mạch hoàn thổ, Sám thổ công, Sám táo quân khoa. Bộ “Tam Giáo Chính Độ” có Phục hồn nghi,…

    

X