Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Hạnh Buông Xả

Hạnh buông xả hay còn gọi là “ Hạnh viễn ly ”, có nghĩa là một trong những đức hạnh tốt đẹp của Phật giáo. Đậy còn là một trong bốn món Tâm “ Tứ vô lượng tâm” bao la, rộng lớn, cao quý đối với những ai đang thực hành con đường Bồ-tát đạo. Vậy để hiểu chính xác và minh bạch về công hạnh Buông-xả, hay xả ly này chúng tôi xin nêu ra những công hạnh mà chư Phật, Bồ-tát và chư vị Tổ sư tiền bối đã thực hành.

 

Trước tiên để hiểu rõ về hạnh Buông-xả, tức là bản thân mình phải biết là Buông-xả và xa rời cái gì. Không lại đổ đồng đánh nhầm sang hạnh vô lo, hạnh thờ ơ, kiểu lười biếng của những kẻ lợi dụng, tệ nạn xã hội. Bởi bản chất của chữ Buông-xả vốn dĩ là bỏ qua, không dính mắc, không quan tâm vướng bận hay biết gì về mọi thứ xung quanh, đó là quan điểm buông xả của thế gian. Thế nên mới có những quan điểm thiên kiến bị sai lạc đi, để rồi chúng ta dễ bị rơi vào tà kiến chấp Thường, hoặc chấp Đoạn của ngoại đạo. Chính vì thế nên người ta dễ bị hiểu lầm về quan điểm Chân-không bất Sinh-diệt của đạo Phật cũng giống như hạnh Buông-xả, Bố-thí không tiếc thân mạng của Bồ-tát. Vậy để hiểu về công hạnh Buông-xả của Phật giáo cũng tức là chúng ta cũng nên hiểu đó chính là công hạnh Bố-thí, một trong sáu món “ Lục Độ “ của các bậc Bồ-tát vậy. Bởi có Buông-xả mới có sự Bố-thí đúng chính Pháp trọng vẹn, không phải buông xả là quay lưng, làm ngơ với tất cả. Buông-xả của Phật giáo là đức Hạnh cao quý muốn giúp cho mình không tham đắm dục lạc, và cũng nhằm giúp cho người có được những niềm hạnh phúc cao quý, như mong cầu. 

Mà trên thực tế, con đường Trung-đạo đã được đức Phật thực hành và tuyên thuyết ngay từ thời kỳ đầu tiên, khi tế độ nhóm năm anh em ông Kiều Trần Như, vốn là những người bạn đồng tu với Ngài. Chính đức Phật đã từ bỏ “Buông-xả”, những cái cần từ bỏ ngay từ lúc rời khỏi Hoàng cung, bởi với cương vị là một Thái tử con nhà Vua thì thiên hạ còn ai sánh kịp. Công danh sự nghiệp, tiền tài của một con người như Thái tử nào mấy ai không mong muốn, không mong cầu, thế mà Ngài đã rũ bỏ, xả ly ngay khi ấy. Bao nhung lụa, gấm vóc, kẻ hầu hạ, tôi tớ Ngài đều không cần thiết, chỉ một mình với manh áo thường tình che thân. Thái tử Tất-đạt-đa quyết chí đi tìm chân lý Giác-ngộ, Giải-thoát cho tự thân và cứu độ muôn loài. Trong các bộ Kinh, đức Phật còn nói rõ những công hạnh Buông-xả mà Ngài đã thực hành trải qua nhiều đời kiếp, đến kiếp chót này, Ngài mới trọn vẹn thành tựu được Bậc Chính Đẳng Giác vậy. Tất cả các công hạnh tu tập của Ngài, trong đó có hạnh Buông-xả này, cũng chính là hạnh Bố-thí vậy, có chỗ nói “Khí quốc thành, khí thê tử, khí thân mạng …”. Kinh Pháp Hoa phẩm Đề-bà-đạt-đa có nói: “ Vì muốn đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật nên siêng làm việc bố thí lòng không lẫn tiếc, bố thí voi, ngựa, bảy báu, nước, thành, vợ, con, tôi tớ, bạn bè, cho đến đầu, mắt, tủy, óc, thân, thịt, tay, chân, chẳng tiếc thân mạng.” Rõ ràng chỉ có công hạnh Buông-xả cao quý, mới dám làm những việc Bố-thí chưa từng có như vậy, mục đích để cầu được Pháp đại thừa. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân cũng nói: “Con nay chỉ xin cha mẹ cho con một điều là: Cha mẹ hãy thương con, có thể ngày ngày đem dao, xẻo thịt ở nơi thân thể của con, cắt chừng ba cân, và chia làm ba phần, hai phần để dâng cha mẹ, còn một phần để cho con ăn, để tự nuôi sống tính mạng.” Đây cũng chính là hạnh Buông-xả cao quý của đức Phật, khi Ngài còn thực hành Bồ-tát đạo để hiếu dưỡng mẹ cha khi phải lâm vào đường cùng.

Như vậy cho thấy đức Phật khi còn là một Thái tử, có đầy đủ mọi uy quyền, mọi phương diện vật chất cao tột của thế gian, mà Ngài đã xa rời, lìa bỏ để tu hành thành Đạo. Trong thời điểm đó Ngài cũng từng trải qua “ Sáu năm khổ hạnh rừng già”, mà Đạo quả cũng vẫn chưa thành. Sau khi quyết định từ bỏ phương pháp Khổ-hạnh ép xác, Ngài trở lại ăn uống bình thường và quyết tâm Thiền-định trong suốt bốn chín ngày đêm. Trải qua bảy thất như thế Ngài mới thành tựu đạo quả Chính Đẳng Giác. Bài Pháp mà đức Phật thuyết, để hóa độ Năm người bạn đồng tu ấy chính là giáo lý Trung-đạo, xa rời hai thái cực là không Thái-quá và cũng không Bất-cập mọi vấn đề. Đại ý nói không phải pháp môn Khổ-hạnh ép xác quá đáng để thành tựu Đạo quả là duy nhất,  bản thân ngài đã trải qua. Nhưng cũng không phải hưởng thụ dục lac, vui sướng quá độ mà cầu được quả Bồ-đề, điều này chính Ngài cũng đã trải qua, khi còn là một Thái tử con Vua. Chỉ có xa lìa, Buông-xả cả hai thái cực, mới được lý đế Trung-đạo, bao la không dính mắc, không chấp trước vào Tâm-cảnh đó mới gọi là Niết-bàn. Kinh Bát-nhã gọi đó là “ Vô nhãn, nhĩ, tỵ,…”, Kinh Lăng Nghiêm cũng nói là “ Phản văn, văn tự kỷ”, ý nói là hãy chú ý nghe lại, tính nghe của chính mình, để đạt được Nhĩ căn viên thông.

Từ thực tế cho thấy khi hành Bồ-tát đạo, dù ở bất cứ phương diện nào đức Phật cũng thực hành hạnh Buông-xả để Bố-thí hoàn thiện Pháp “ Ba-la-mật”. Vậy giáo lý Phật dạy đệ tử có muôn vàn Pháp môn, thì hạnh Buông-xả, xa lìa mọi vướng mắc của thế gian thường tình chỉ là một trong nhiều Pháp môn. Ngay khi thời điểm đó nổi tiếng với hạnh Đầu-đà đệ nhất, chính là ngài Ca-diếp vị đại đệ tử của Phật vậy. Với mười ba hạnh Đầu-đà “1.Hạnh y phấn tảo, 2.Hạnh tam y, 3.Hạnh khất thực, 4.Hạnh khất thực từng nhà, 5.Hạnh nhất tọa thực, 6.Hạnh ăn bằng bát, 7.Hạnh không nhận tàn thực, (tức là không dùng thực phẩm dư thừa), 8.Hạnh ở rừng, 9.Hạnh ở gốc cây, 10.Hạnh ở ngoài trời, 11.Hạnh ở nghĩa trang, 12.Hạnh ở chỗ nào cũng được, 13.Hạnh ngồi (không nằm) ”. Ngoài ra còn biết bao nhiêu giới điều, sinh hoạt Tăng đoàn, mà một vị Thánh đệ tử của Phật nào, không ai là không rõ.

Song có hàng nghìn vị đệ tử khác của Phật,  cũng chứng Đạo quả, mỗi người một công hạnh, đâu có ai giống nhau. Người thì hạnh Trì-giới, người thì Thuyết-pháp, người thì Đa-văn,… tất cả đều được đức Phật ấn tín ngợi khen.  Nói chung lại gồm hai Pháp môn chính là Tu-phúc hoặc Tu-tuệ, mà thế gian thường nhắc đến. Bởi có vị đệ tử Phật chuyên thực hành các công Hạnh phúc đức Bố-thí, cúng dường, làm đường, bắc cầu,… Nhưng lại cũng có những vị đệ tử Phật phải lo chuyên tâm học hành, nghiên cứu, diễn giảng Kinh điển Phật giáo,  cho mọi người áp dụng tu tập. Đơn cử như hình tướng Mười Tám Vị La Hán mà các Chùa thờ, cũng nói nên sự thiên hình vạn trạng công hạnh tu tập của chư vị đệ tử Phật. Dù Tu-phúc, hay Tu-tuệ, dù hiện thân tướng này, hay thân tướng nọ, thậm chí có những vị hiện thân tướng Phi-phàm dường như trái nghịch với thường tình, như Ngài “ Tế Công Hòa Thượng ”… Thì mục đích chính vẫn là vì lòng Từ-bi rộng lớn bao la, để dẫn dắt chúng sinh đang mê mờ chìm đắm, ra khỏi biển khổ sinh tử phiền não. Nhắc đến đây xin được trích dẫn lời Ngài  Tế Công Hòa Thượng nói,  khi mọi người mới nhìn qua và chê trách Ngài. Nhưng thực tế Ngài là một bậc Bồ-tát tái sinh thị hiện phi thân tướng:

 “ Cổ thi Phật, Tổ để một phong

Dạy khuyên tu miệng, lẫn tu lòng

Người thường tu miệng, lòng không sửa

Bần Tăng lòng sửa, miệng thì không”

Trong những giai thoại Thiền-tông, chúng tôi cũng rất tâm đắc với truyện tích về Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng, dạy đạo đệ tử là Mã Tổ Đạo Nhất về việc ngồi Thiền cầu làm Phật. Đại ý câu truyện ghi, khi thấy đệ tử là Đạo Nhất suốt ngày ngồi tu tập Thiền định quên hết mọi việc xung quanh mà vẫn chưa thành tựu. Ngài Hoài Nhượng thấy thế liền mang những viên gạch, ngói đến bên cạnh đệ tử cứ thế mải miết mài đi mài lại. Đệ tử thấy lạ hỏi:  Thầy mài làm gì?

Vị Thầy lại hỏi ông ngồi làm gì?

Ngồi cầu làm Phật!

Thầy trả lời:

Thế ta mài để làm gương!

Gạch, ngói mà thành được gương?

Thế ngồi Thiền mà thành được Phật?

Rõ ràng câu truyện Thiền tông đối đáp của hai Thầy trò, muốn nói đến chân tính Bản-lai, bất sinh diệt nơi tự tâm mỗi chúng ta tự quán sát thấy. Không đơn cử do một Pháp, hay một cách nào duy nhất mà có thể thành tựu được, muốn được kết quả phải có thời gian và trải qua sự trau dồi, rèn luyện lắm mới có thể thành tựu. Gạch, ngói kia không thể thành gương nếu cứ cố gắng mài, giả sử có những yếu tố xúc tác khác nhau mới có thể thành gương được. Cũng thế mới chỉ có pháp môn ngồi Thiền không, mà cầu làm Phật thì e rằng cũng vẫn chưa đủ. Bởi Phật cũng đã phải trải qua vô số kiếp, tu tập các hình tướng, công hạnh viên mãn mới được kết quả Chính Đẳng Giác vậy. Như thế con người ta cũng phải có sự học tập, tu tiến các Pháp môn “ Vạn hạnh”, rồi đến giai đoạn thực tập hạnh xả ly, Buông-xả cả các Pháp môn tu tập ấy nữa mới có thể rốt ráo thành tựu Bồ-đề. Khi hành giả đạt đến cảnh giới rốt ráo tột cùng ấy, chỗ đó gọi là “ Chính Pháp còn phải bỏ, huống chi là phi Pháp”, cũng giống như khi người ta đã qua được sông rồi, thì vui lòng buông bỏ ván ,thuyền mà lên bờ cho thanh thản. Ngài Phước Hậu-Như Trung đã chi dạy về hạnh Buông-xả:

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Năm nay nghĩ lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”

Thế nên cũng giống như con người ta khi còn trẻ, phải học tập các phần chữ Cái riêng biệt, rồi dần ghép thành bộ Chữ, câu, cú sau rồi thông thạo thì mới giám quên bỏ cái phần chữ Cái sơ khai kia. Người tu tập hạnh Buông-xả cũng thế, không thể mới bắt đầu mà đã đòi buông xả mọi thứ, không một vật dính thân. Thật là chẳng khác người chỉ muốn ngồi cầu làm Phật, thật là phi lý vậy. Khi mỗi người hay hành giả tu tập phải đầy đủ các Pháp lành, Pháp khai, Pháp giá, biết rõ Tánh-tướng của các Pháp mới giám thực hành hạnh Buông-xả, viễn ly. Như thế rõ ràng trong tay có nhiều “ Pháp” mới buông xả được, còn kẻ tay trắng lấy gì mà Buông-xả.     

                       

X