Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Đức Phật Và Nhân Sinh

Chia sẻ giáo lý đạo Phật

Giới Bồ-tát được gọi chung cho cả hàng tại-gia và xuất-gia

A. Bồ-tát Tại gia: Gồm 06 giới trọng và 28 giới khinh (34 Giới điều )

B Bồ-tát Xuất- gia : Gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh (58 Giới điều )

Trong đó giới Phật-tử tại gia cũng có thể hành trì giới Bồ-tát như giới xuất-gia ( Theo Bồ-tát-giới-kinh ), tuỳ vào điều kiện và sự phát tâm tu trì của mỗi người.

Để hiểu thêm rõ hơn về giới Bồ-tát, chúng tôi xin trích dẫn lời giải thích của “ Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ ” về những thắc mắc của Phật-tử.

I.Có Hai Loại Giới Bồ-tát ?

01.GN- Hỏi: Tôi có người bạn đạo cùng thọ giới Bồ-tát nhưng khi chia sẻ việc tu tập, giữ giới thì dường như bạn ấy giữ giới Bồ-tát không giống với tôi. Đơn cử như bạn ấy giữ giới ít hơn, nhất là vẫn sinh hoạt vợ chồng bình thường và mỗi tháng chỉ ăn chay ít nhất là 6 ngày, nhiều hơn thì càng tốt chứ không ăn chay trường. Trong khi tôi thọ giới Bồ-tát thì “trường trai, tuyệt dục”. Vấn đề này là thế nào? Phải chăng có hai loại giới Bồ-tát? Nếu có nhiều loại giới thì nên chăng, trước khi truyền giới Bồ-tát cho Phật tử, Ban Tổ chức Đại giới đàn cần thông tin cụ thể về nội dung, bộ loại để Phật tử lượng sức mà phát tâm thọ trì.

(THUẬN THIÊN, thuanthien…@gmail.com)

Bạn Thuận Thiên thân mến!

Về giới Bồ-tát, không chỉ có hai loại mà có nhiều loại giới pháp của luật Phạm võng, luật Anh lạc, luật Du-già sư địa, luật Thắng man, luật Ưu-bà-tắc giới kinh (Tại gia Bồ-tát giới kinh)… Tùy theo từng quốc độ, xứ sở thuận hợp với loại giới pháp nào thì bộ luật ấy được ứng dụng thực hành. Ở nước ta, hàng Phật tử theo Phật giáo Bắc truyền thường thọ trì giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh và Ưu-bà-tắc giới kinh.

Dĩ nhiên, nội dung của hai bộ giới kinh này có những điểm tương đồng và dị biệt, tùy vào căn cơ và điều kiện mà người thọ giới chọn lựa rồi phát tâm thọ trì. Trong những điểm khác biệt thì có hai giới điều cần lưu ý đó là vấn đề ‘trường trai, tuyệt dục”.

Về giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh, có 58 giới điều (10 giới trọng, 48 giới khinh),giới pháp này được truyền trao chung cho các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì. Do vậy, giới tử (hàng Phật tử xuất gia và tại gia) khi phát tâm thọ trì giới kinh này cần giữ giới không hành dâm (giới thứ 3 của 10 giới trọng) và giới không ăn thịt (giới thứ 3 của 48 giới khinh), nghĩa là tuân thủ luật nghi “trường trai, tuyệt dục”.

Về giới Bồ-tát theo Ưu-bà-tắc giới kinh, có 34 giới điều (6 trọng pháp, 28 khinh pháp), giới pháp này chỉ trao truyền cho riêng hàng cư sĩ Phật tử nên còn gọi Tại gia Bồ-tát giới kinh. Người Phật tử thọ giới Bồ-tát theo giới kinh này giữ giới không tà dâm (giới thứ 4 của 6 trọng pháp) và không bắt buộc phải ăn chay trường, chỉ giữ trai giới mỗi tháng 6 ngày. Thiết nghĩ, hàng Phật tử sống trong cuộc đời nhiều gia duyên ràng buộc nên thọ giới để tu sửa bản thân và phụng sự chúng sinh mà không khắc kỷ “trường trai, tuyệt dục” thì phù hợp với hoàn cảnh và khả thi hơn.

Tuy nhiên, theo chú giải về Phạm võng Bồ-tát giới kinh, vì thọ chung với người xuất gia nên hàng Phật tử tại gia thọ trì giới không hành dâm (giới thứ 3 của 10 giới trọng) theo nghĩa không tà dâm (giống với giới thứ 4 của 6 trọng pháp trong Ưu-bà-tắc giới kinh). Nghĩa là cư sĩ Phật tử thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới cũng vẫn được phép lập gia đình, sinh hoạt vợ chồng bình thường (Kinh Phạm võng Bồ-tát giới, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1992, trang 67).

Như vậy, theo như chú giải thì người Phật tử tại gia dù thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh hay Ưu-bà-tắc giới kinh cũng đều không phải “tuyệt dục”. Mặt khác, dù không “trường trai” nhưng các Phật tử thọ Bồ-tát giới theo Ưu-bà-tắc giới kinh cũng thực hành ăn chay, nhất là trai giới mỗi tháng 6 ngày (khinh pháp thứ 7 – Chủ yếu là trai giớivà cúng dường Tam bảo).

Xét kỹ, hàng Phật tử tại gia thọ giới Bồ-tát theo Phạm võng Bồ-tát giới kinh hay Ưu-bà-tắc giới kinh tuy khác biệt nhau về số lượng giới điều và nội dung của một số giới nhưng về đại thể vẫn tương đồng. Khác biệt lớn nhất chính là ăn chay trường (Phạm võng Bồ-tát giới kinh) và ăn chay kỳ (Ưu-bà-tắc giới kinh) mà thôi. Nếu Phật tử tại gia thọ giới Bồ-tát theo Ưu-bà-tắc giới kinh phát tâm ăn chay nhiều hơn thì sẽ thu ngắn sự khác biệt.

Do có sự khác nhau giữa các giới kinh, thiết nghĩ Ban Tổ chức Giới đàn khi trao truyền giới Bồ-tát cho Phật tử tại gia thọ nhận cần có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để Phật tử tại gia tự lượng sức mà phát tâm thọ trì.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ ( tuvangiacngo@yahoo.com)

II.Tìm Hiểu Về 6 Giới Trọng Và 28 Giới Khinh Của Tại Gia Bồ Tát Giới


02.nguoiphattu.com – HỎI: Tôi nghe nói các đại giới đàn chỉ truyền giới Bồ tát Phạm Võng gồm 10 giới trong và 48 giới khinh. Nay tôi muốn tìm hiểu và thọ trì 6 giới trọng và 28 giới khinh (thuộc Tại Gia Bồ Tát Giới kinh) thì phải làm như thế nào? Xin cho biết sự khác biệt căn bản của hai loại giới Bồ tát kể trên? (KIM LONG, chachhoangkimlong@gmail.com; DIỆU THUẬN, Long Thành, Đồng Nai)

ĐÁP:

Bạn Kim Long và Diệu Thuận thân mến!

Trong các đại giới đàn (cấp tỉnh, thành) hiện nay, các giới tử thọ nhận giới Bồ tát theo tinh thần Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới pháp này được truyền trao cho các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì.

Riêng vấn đề giới Bồ tát gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh là quan điểm của Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (Đại Chính, tập 24), gồm:

Sáu giới trọng (phạm tội nặng) là:

1. Không được sát sanh.

2. Không được trộm cắp.

3. Không được tà dâm.

4. Không được nói dối.

5. Không được nói lỗi của người tại gia và xuất gia.

6. Không được bán rượu.

Hai mươi tám giới khinh (phạm tội nhẹ-sơ ý) là:

1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng.

2. Say đắm rượu chè.

3. Gặp người bệnh khổ có ý gớm ghê, không chăm sóc.

4. Thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không.

5. Gặp các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni hoặc các vị Ưu-bà-tắc thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy.

6. Thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ.

7. Mỗi tháng không thọ sáu ngày Bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo.

8. Trong vòng 40 dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe.

9. Thọ dụng đồ dùng của chư Tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v…

10. Nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống.

11. Không có bạn mà vẫn đi một mình vào trong chỗ nguy hiểm.

12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni nếu là Ưu-bà-tắc (hoặc chùa Tăng nếu là Ưu-bà-di).

13. Vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài.

14. Đem thức ăn thừa bố thí cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khác.

15. Nuôi những loài ăn thịt như mèo, chồn…

16. Nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà hoặc các loại súc vật khác mà không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới.

17. Không chứa sẵn y, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng Tăng.

18. Làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt.

19. Làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho người trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi.

20. Hành dục không đúng chỗ, không đúng thời.

21. Làm nghề thương mại, công nghiệp v.v…, không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận.

22. Vi phạm luật pháp nhà nước.

23. Có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không hiến cúng Tam bảo mà thọ dụng trước.

24. Tăng già không cho phép mà vẫn thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình.

 25. Ra đường dành đi trước Tỳ-kheo, Sa-di.

26. Trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình.

27. Nuôi tằm lấy tơ.

28. Đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc. (Trích lược theo Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh, HT.Thích Tịnh Nghiêm dịch).

Đối chiếu hai bộ giới bản Phạm Võng và Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh, chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Quan trọng nhất, Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (hay Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh) là giới Bồ tát của riêng hàng Phật tử tại gia, còn Phạm Võng là giới Bồ tát chung cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia.

Cho nên, hàng cư sĩ thọ giới Bồ tát Phạm Võng thì phải giữ giới trọng thứ 3 “Không dâm dục”, trong khi hàng cư sĩ thọ giới Bồ tát theo Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh thì chỉ giữ giới trọng thứ 3 “Không tà dâm” (vẫn có liên hệ sinh lý với bạn đời nhưng phải đúng chỗ, đúng lúc-Giới khinh thứ 20).

Mặt khác, trong 34 giới của Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh thì không thấy quy định rõ ràng về trường trai nhưng nếu thọ giới theo Bồ tát Phạm Võng phải ăn chay trường, giữ giới khinh thứ 3 “Không được ăn các thứ thịt”.

Tóm lại, hàng cư sĩ phát tâm Bồ-đề thọ nhận giới Bồ tát Phạm Võng phải trường trai, tuyệt dục như Tăng sĩ nên không phải ai cũng thọ nhận và hành trì được. Do đó, thọ trì giới Bồ tát theo tinh thần Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh là một giải pháp khả thi và phổ cập cho hàng cư sĩ. Các bạn nên tìm những giới đàn truyền giới Bồ tát cho riêng hàng cư sĩ tại gia để thọ nhận giới pháp.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ ( tuvangiacngo@yahoo.com)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *