Lò Hóa Sớ
Trong khi trùng tu xây dựng Tam-bảo tôi mới chợt nhớ ra khu vực Hóa-sớ, cần phải đặt ở vị trí phù hợp cảnh quan tòa thể ngôi Chùa. Nhớ lại ngôi Chùa-cổ các bậc Tổ đức đã xây dựng và đặt tên cho nơi Hóa-sớ là “Hàn Lâm Sở”. Suy nghĩ mãi mới rõ biết lý do vì sao các Bậc tiền nhân xưa lại gọi chỗ Hóa-sớ ấy là Hàn-lâm-sở. Nơi chỗ để thiêu hóa Sớ-văn, tức là nơi thiêu đốt những lời khấn nguyện thành kính cô đọng, chắt lọc trong các Khoa-nghi cúng lễ, một trong những Phương-tiện Pháp-môn của Phật giáo. Không phải là chỗ để đốt Vàng-mã liên miên như hiện nay nhiều người lầm tưởng. Cho nên chúng tôi không gọi là Lò hóa mã, mà gọi đúng từ chuyên môn là Lò Hóa Sớ, nơi thiêu đốt các Văn-sớ. Theo từ ngữ chuyên môn, thì rõ ràng “Hàn Lâm” là một cụm từ sâu sắc từ Chữ lẫn ý nghĩa gồm chính là “ Rừng lông chim”. Còn nghĩa cốt yếu là “Rừng bút”, ý chỉ nơi chốn tập hợp các Bậc học sĩ, trí thức, hiền triết ngày xưa được xuất thân từ đây. Nên gọi đầy đủ là Hàn Lâm Viện, là nơi đào tạo các nhân tài cho quốc gia, người giữ chức vụ ở trong đó hay xuất thân từ đó cũng được gọi là Hàn Lâm Học Sĩ. Hoặc Hàn Lâm còn được coi là một chức quan chuyên môn việc giảng dạy học thức cho các Bậc con, cháu Vua và Quan thời Phong-kiến xưa. Ngày nay những Viện hàn Lâm chuyên nghiên cứu Khoa-học Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội,…vẫn tồn tại và phát triển của quốc gia.
Vậy rõ ràng Viện Hàn lâm hay gọi tắt là Hàn lâm ý chỉ nơi các Bậc nhân tài, hiền triết, thơ văn đỉnh cao ở hoặc công tác. Cũng giống như trong kho tàng Thư-tịch Kinh-điển của Phật giáo, thì Bộ Sớ-văn cũng thuộc một trong những tác phẩm triết lý cao sâu. Những bản Văn-sớ được các Bậc cổ đức biên soạn, rất dày công phu cả về chữ nghĩa, câu cú văn phạm, triết lý Tu-đạo. Đơn cử như câu ” Phúc thọ khang ninh, nãi nhân tâm chi cầu nguyện”, ý nói những điều tốt đẹp ( ngũ phúc gồm Phúc, lộc, thọ, khang, ninh ), con người ta ai không mong muốn, cầu nguyện. Hay như “ Thiết niệm chân linh,…”, nghĩa là: Thiết nghĩ chân linh (người mất), hay nhớ đến người mất,…
Hoặc như nói: “ Tam nghiệp hôn mê, lục căn túng tứ, tâm thập ác vị đoạn, thập thiện vọng hành,…”, ý nói do Ba-nghiệp mê mờ, Sáu-căn buông lung, với tâm thì chưa đoạn dứt mười nghiệp ác, mười nghiệp lành chưa siêng làm,…Tất cả đều là những lời cầu nguyện rất cụ thể thực tế, dùng để Độ-tử, Cứu-sinh, với những pháp môn vi diệu Thiện-xảo của các bậc cổ đức. Văn-sớ không đơn giản thuần túy chỉ là một bài văn khấn, hay văn cúng lễ mà trong đó bao gồm chất chứa cả một nền giáo dục Phật-học cao siêu của kiến thức Phật giáo. Không đơn giản để soạn ra các Văn-sớ phù hợp với các Khoa-nghi hành lễ trong khi thực hành Khoa-giáo mang đậm bản sắc Phật-giáo, Giác-ngộ, Giải-thoát, Bi-trí viên dung. Vậy rõ ràng các Bậc trí thức, học giả phải uyên thâm Phật pháp mới đứng ra biên soạn các Văn-sớ trong Lễ-nghi của Phật giáo được. Tất cả được minh chứng cho đến tận ngày nay, dù có diễn giải, dịch thuật sang bất cứ ý nghĩa nào thì đều cũng phải căn cứ vào các bản văn cổ như Văn-sớ vậy. Dù là Khấn-nguyện, hay Cầu-nguyện, hoặc Chúc-phúc … tất cả đều có y cứ từ Cổ đến Kim, từ Xưa mới có Nay, nhất là trong kho tàng Thư-tịch của phật-giáo như đã nói trên.
Thế nhưng khi các bậc Tổ đức xây dựng Lò-hóa-sớ lại ghi ba chữ Hàn Lâm Sở, mà ý nghĩa rõ ràng là Chỗ-hóa-sớ. Tức đại ý chung là nơi thiêu đốt tất cả những Văn-sớ sau khi thực hành các Khoa-nghi cúng lễ, cầu nguyện. Phải chăng đây cũng là dụng ý kính cẩn đối với các Văn-sớ của Tiền-nhân để lại, chúng ta thực hành phải Thiêu-đốt cẩn thận và thành kính vậy. Ngoài ra theo ý nghĩa sâu xa hơn nữa, thì dù đó có là các Văn-sớ cao sâu từ chốn Hàn-lâm sản sinh ra nữa, rốt cuộc rồi cũng hóa Hư-không. Vì đã bị thiêu đốt trong Lò Hóa Sớ rồi, còn gì mà bám vúi, hay líu kéo về lĩnh vực thơ ca, thi phú, văn chương cao tột ấy. Với một số ý kiến thắc mắc của Phật tử về việc gọi tên Lò Hóa Sớ, hay Lò hóa mã, chúng tôi mạo muội giải thích như trên. Có điều chi sơ thất kính mong các Bậc cao minh chỉ giáo!